|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia FIDT khuyến nghị NĐT tránh tâm lý FOMO, gợi ý 5 nhóm cổ phiếu có câu chuyện và kỳ vọng nửa cuối năm

07:40 | 11/07/2023
Chia sẻ
Tại cuộc chia sẻ mới đây, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT đánh giá thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm còn nhiều cơ hội tăng trưởng khi chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành.

Thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền trở lại

VN-Index tăng 11.2% trong 6 tháng đầu năm và đang có xu hướng tiếp tục tăng trong tuần đầu tháng 7. Ông Huỳnh Hoàng Phương đánh giá, đây là một trong những mức tăng ấn tượng so với các nước trong khu vực. Diễn biến này tương đồng với dự báo của FIDT trong báo cáo chiến lược năm 2023 phát hành vào tháng 12/2022 , trong đó VN-Index có thể tiến về vùng gần 1.200 điểm ở giữa năm.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từng giảm sâu vào quý IV/2022, có lúc về dưới mốc 900 điểm với sự kết hợp của rất nhiều rủi ro với thị trường lúc đó. Vị chuyên gia cho rằng giai đoạn xấu nhất đã qua và thị trường/nền kinh tế rất khó có thể trải qua nhiều rủi ro cùng lúc như thế nữa trong một vài năm tới.

Hiện nay, nhiều yếu tố trong 2022 đã thay đổi đáng kể theo hướng tích cực, đặc biệt là sự đảo chiều chính sách rõ nét. Nửa đầu năm 2023 chứng kiến sự đảo chiều mạnh mẽ của chính sách tiền tệ với 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành nhanh và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, chính phủ liên tục ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết các khó khăn của thị trường trái phiếu kết hợp quyết liệt triển khai chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế như giảm thuế VAT hay đẩy mạnh đầu tư công.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng lại trong 2 tháng gần đây (tháng 5 và 6) với thanh khoản thị trường cải thiện mạnh từ cuối tháng 5 đến nay. Điều này trùng hợp với lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn của ngân hàng liên tục giảm nhanh từ cuối tháng 4 năm 2023 đến nay. Xu hướng không phải là ngẫu nhiên khi độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán thường được so sánh với kênh gửi tiết kiệm an toàn.

Lãi suất huy động giảm mạnh từ đầu tháng 5 sẽ khiến dòng tiền tìm đến kênh tài sản rủi ro với mức sinh lãi tốt hơn, trong đó thị trường chứng khoán sẽ là sự lựa chọn đầu tiên nhờ vào khả năng hấp thụ vốn lớn, nhanh chóng, thanh khoản cao.

(Nguồn: FIDT).

Cơ hội đang lớn hơn rủi ro, nhiều nhóm ngành có triển vọng khả quan trong nửa cuối năm

Chuyên gia FIDT đánh giá thị trường trong nửa cuối năm còn nhiều cơ hội tăng trưởng khi chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong điều kiện cho phép.

Song song với đó, đầu tư công và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối 2023. Với lãi suất huy động tiếp tục giảm với chính sách hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ, TTCK có nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì triển vọng tích cực từ đây đến cuối năm với xu hướng (trend) tiếp tục đi lên kết hợp với các đợt điều chỉnh ngắn hạn, điểm số VN-Index cuối năm 2023 có thể đạt 1.250 - 1.300 điểm nếu các rủi ro bên ngoài không quá lớn. Tâm lý thị trường sẽ duy trì tích cực với việc nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nhân tố chính dẫn dắt thị trường.

“Trong suốt quá trình đầu tư, cơ hội luôn đến và qua đi rất nhanh. Tuy nhiên phải chấp nhận một điều rằng không phải con sóng nào của thị trường chúng ta cũng có thể nhận biết được và cơ hội mới trên thị trường là luôn có. Khi thị trường đã phản ánh hết những tiêu cực nhất (giảm về dưới 900 điểm vào cuối năm 2022) và kết hợp với sự đảo chiều chỉnh sách thì đà tăng của thị trường sẽ khá bền vững, tuy nhiên trong quá trình đi lên sẽ có nhiều điều chỉnh ngắn hạn.

Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế trở lại thị trường tuy nhiên không nên quá FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) trong lúc thị trường tăng nóng mà nên chuẩn bị giải ngân ở các nhịp chỉnh ngắn hạn của thị trường”, vị chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư.

Tuy nhiên, thị trường còn đối mặt với một số những rủi ro cần theo dõi, chủ yếu là yếu tố bên ngoài. Thứ nhất là nguy cơ suy thoái của Mỹ và các nước phát triển vào cuối 2023 đầu 2024. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, do đó chịu ảnh hưởng mạnh bởi các biến động bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Đây sẽ là một trong những rủi ro chính cần theo dõi trong giai đoạn nửa cuối năm. Thứ hai, áp lực tỷ giá có thể quay lại nhưng sẽ không căng thẳng như hồi cuối 2022.

Ngoài ra, một số rủi ro trong nước có thể gặp phải như chất lượng tài sản của các ngân hàng đã suy giảm hai quý liên tiếp (quý IV/2022 và quý I/2023) và có thể chưa cải thiện trong hai quý cuối năm.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đối với những vụ việc thanh tra nhưng đơn vị vi phạm trên TTCK, góc nhìn của giám đốc FIDT cho rằng đây là điều cần thiết giúp thị trường trở nên minh bạch, phát triển bền vững trong dài hạn, thu hút được nhiều nguồn vốn tốt hơn.

“Chắc chắn các cơ quan chức năng đã có nhiều kinh nghiệm và bài học sau năm 2022 vừa qua nên việc thanh tra trong giai đoạn hiện nay có thể sẽ có mức độ hẹp hơn và mang tính cục bộ hơn với từng vụ việc, ‘đánh đúng không đánh lan’ để tránh gây ra ‘hiệu ứng domino’ và để lại hệ quả đáng tiếc ảnh hưởng đến toàn thị trường.”, ông Phương nhận định.

Kết quả kinh doanh chung của thị trường ghi nhận ảm đạm trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Nửa cuối năm nay, bức tranh lợi nhuận được dự sẽ phục hồi ở nhiều nhóm ngành nhờ hàng loạt hỗ trợ về mặt chính sách của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (giảm thuế VAT, hạ lãi suất, giải ngân đầu tư công) sẽ ngấm dần vào nền kinh tế.

Trong bối cảnh TTCK nửa cuối năm có nhiều kỳ vọng, ông Phương khuyến nghị ưu tiên chọn các nhóm ngành có câu chuyện và kỳ vọng rõ ràng. Trong đó bao gồm một số nhóm như: Dầu khí thượng nguồn với câu chuyện quyết tâm triển khai đại dự án Lô B - Ô Môn; nhóm bán lẻ dự kiến phục hồi nhờ vào kỳ vọng chính sách giảm thuế VAT; nhóm đầu tư công với giải ngân được kỳ vọng sẽ đi vào thực tế hơn trong thời gian tới hay nhóm chứng khoán với xu hướng hạ lãi suất khiến kênh chứng khoán hút dòng tiền, thanh khoản và chỉ số dự báo tiếp tục tích cực, chưa kể kỳ vọng hệ thống KRX.

KRX là bước tiến lớn đối với chứng khoán Việt Nam

Với riêng hệ thống công nghệ KRX, ông Phương nhận định nếu được đưa vào vận hành có thể xem là một bước tiến lớn đối với TTCK Việt Nam sau nhiều năm chờ đợi. Hệ thống này là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại và đưa thị trường Việt Nam lên tầm cao mới. Hệ thống KRX cũng giúp đa dạng hóa thêm các công cụ tài chính trên thị trường như giao dịch cổ phiếu trong ngày (T+0), các công cụ phái sinh như bán khống, quyền chọn,...

Đồng thời, việc này cũng đòi hỏi các nhà đầu tư phải tìm hiểu, làm quen với cách thức hoạt động, giao dịch mới. Chưa hết, nhà đầu tư cần tìm hiểu các công cụ mới có thể phát triển trên hệ thống KRX để hiểu được lợi ích cho việc đầu tư cũng như hỗ trợ phòng vệ danh mục của mình (hedging). Khi giao dịch T+0 và các chương trình giao dịch tự động bằng thuật toán (algorithmic trading) được thúc đẩy phát triển bởi hệ thống mới có thể khiến biến động giá cổ phiếu và thị trường nhanh và mạnh hơn.

Xuân Nghĩa

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.