Chuyên gia VinaCapital: Niềm tin NĐT đã quay trở lại, chứng khoán chuẩn bị có đợt tăng mạnh
Tại hội thảo với chủ đề “Điểm lại tình hình kinh tế & thị trường nửa đầu năm và triển vọng thị trường năm 2023” diễn ra ngày 10/7, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên của thị trường của VinaCapital chỉ ra GDP nửa đầu 2023 tăng 3,7%, thấp hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm ngoái. Điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua là sự phục hồi của ngành du lịch khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy vậy, việc nước láng giềng mở cửa chậm hơn kỳ vọng không có tác động thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam.
Trong khi đó, các yếu tố kém khả quan giai đoạn đầu năm là tình hình sản xuất, xuất khẩu đều suy yếu, thị trường bất động sản đóng băng. Để giải quyết vấn đề chậm tăng trưởng nền kinh tế, Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng hai nhân tố chính là đầu tư công và chính sách tài khóa & tiền tệ.
Cho cả năm 2023, VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP ở mức 4,75%. Doanh số bán lẻ dự kiến tăng trưởng 7,5% trong khi sản xuất giảm 1%. Tại ngành du lịch, dự kiến lượng khách sẽ hồi phục xấp xỉ 70% mức trước dịch.
Trong bối cảnh đó, VinaCapital tiếp tục kỳ vọng VN-Index, chỉ số đại diện TTCK, sẽ kết thúc năm 2023 ở mức cao hơn hiện tại (1.120 điểm tại 30/6), bất chấp tăng trưởng EPS chậm lại. Theo ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital, niềm tin đã quay trở lại TTCK khi yếu tố giảm lãi suất diễn ra sớm hơn dự kiến, đồng thời đó là các chính sách hỗ trợ cho trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong những tháng qua.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên thế giới có góc nhìn tích cực về kỳ vọng kiềm chế lạm phát và đang xây dựng cho phương án tiếp tục giảm mức lạm phát xuống. Cùng với đó, TTCK đang bị định giá thấp so với giai đoạn trước đây và sẵn sàng cho đợt tăng mạnh trở lại.
Ở góc nhìn dài hạn, tiêu thụ nội địa hồi phục sẽ tác động tích cực đến các ngành hàng không, ngân hàng, hàng tiêu dùng, bất động sản. Yếu tố cơ sở hạ tầng cải thiện sẽ hỗ trợ lĩnh vực khu công nghiệp, vật liệu, bất động sản. Các ngành chứng khoán, bất động sản hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Yếu tố FDI sẽ tác động nhiều nhất đến nhóm khu công nghiệp, cảng & logistics. Tổng quan lại, VinaCapital chọn ra một số nhóm ngành có triển vọng đầu tư dài hạn như ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản.
Song song với cơ hội là những rủi ro có thể gặp phải trong những tháng cuối năm. Theo ông Andy Ho chia sẻ, những rủi ro này bao gồm: Thanh tra tham nhũng và bắt bớ, rủi ro thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, sự mạnh lên của đồng USD hay các căng thẳng địa chính trị.
Theo dõi lịch sử thị trường, ông Andy chỉ ra chu kỳ tăng của thị trường thường mạnh hơn và kéo dài hơn đợt giảm trước đó. Ví dụ như sau đợt giảm 27,5% trong năm 2011, VN-Index đã tăng trưởng liên tục trong 2012-2017, đặc biệt năm 2017 tăng đến 48%. Hay sau khi giảm 9,3% vào 2018, chỉ số đại diện TTCK đã tăng liên tiếp trong ba năm 2019-2021.
Dự báo về tăng trưởng lợi nhuận, vị chuyên gia nhận định EPS các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có thể tăng trưởng bình quân 5-10% trong 2023 và 20-25% trong giai đoạn 2023-2024. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của Việt Nam trong 2023 và 2024 đều có tốc độ nhanh hơn so với trong khu vực ASEAN.