|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia: Muốn lấy lại niềm tin NĐT cần nâng cao dân trí tài chính, xây dựng chuẩn mực cho các sản phẩm đầu tư

13:33 | 09/07/2023
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, việc các sản phẩm trên thị trường tài chính phát triển quá nhanh nhưng chưa có sự chuẩn mực, nhà đầu tư thì chưa có kiến thức tài chính dẫn đến tình trạng mất niềm tin vào thị trường.

Trao đổi Talkshow "Chọn sản phẩm đầu tư" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/7, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng, khác với những năm trước khi thị trường chứng khoán có những điểm thuận lợi thì năm nay đặc biệt là nửa cuối năm nay những nhận định và phân tích của các chuyên gia đều nhằm bảo toàn tài sản của các nhà đầu tư.

Điều này cho thấy sự khó khăn trong giai đoạn hiện nay khi mà cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu đều có những vụ việc tiêu cực như: Thao túng, lũng đoạn thị trường, không hoàn thành nghĩa vụ với nhà đầu tư gây mất niềm tin nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường tài chính vẫn chưa thể bứt phá khỏi những vấn đề nhất định kéo dài từ năm 2022. Như tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng dù các cơ quan quản lý đã có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Còn tại thị trường cổ phiếu, tính đến hết tháng 5/2023 có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương với khoảng 7% dân số. Lượng tài khoản mở mới có dấu hiệu tăng trưởng lại nhưng còn nhiều vấn đề và vẫn chưa thể nào bật lên được ngay.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital. (Ảnh chụp màn hình).

Thị trường phát triển quá nhanh bộc lộ nhiều mặt trái

Theo ông Tuấn, có ba thị trường quan trọng của nền kinh tế gồm: Thị trường lao động, thị trường hàng hoá và thị trường tài chính. Những quốc gia phát triển nhất trên thế giới hiện nay, họ đều có thị trường tài chính vô cùng phát triển.

Sự phát triển của thị trường tài chính là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, những vấn đề xảy ra trên thị trường tài chính gần đây là những vụ việc mà các cơ quan quản lý buộc phải xử lý nếu muốn thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, ông Tuấn nói.

Lượng mở mới tài khoản chứng khoán hàng tháng tăng mạnh trong đợt dịch COVID-19 và sau đó sụt giảm nặng nề. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Lý giải về nguồn nhân gây ra những vụ việc đáng tiếc trên thị trường tài chính, ông Tuấn cho biết, trong thời gian COVID-19, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều đưa ra các chính sách để thúc đẩy kinh tế. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay còn gọi là thời tiền rẻ đã kích hoạt rất nhiều tài sản tài chính.

Giai đoạn này cũng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thị trường số hoá khi người dân có thể mở tài khoản online và tham gia đầu tư. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đi cùng với việc phát triển ồ ạt các sản phẩm đầu tư đã bộc lộ những mặt trái.

Nhiều vụ việc như gửi tiết kiệm lại thành đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhà đầu tư trái phiếu không chuyên nghiệp đáng lẽ không được mua TPDN nhưng lại đầu tư thông qua các công ty chứng khoán.

Cùng với giai đoạn COVID-19 khi dòng tiền không đổ vào sản xuất kinh doanh mà đi vào các thị trường đầu cơ. Cuối cùng, việc mất thanh khoản của thị trường TPDN đã kéo theo hàng loạt doanh nghiệp chứng khoán, bất động sản,... cùng rơi vào tình trạng nguy cấp.

Phân tích rộng hơn về thị trường tài chính, ông Tuấn cho biết, cả hai mảng quan trọng là ngân hàng và chứng khoán đều có những điểm hạn chế riêng.

Với thị trường ngân hàng, vấn đề quan trọng nhất là kỳ hạn: Người gửi tiền thường gửi tiền với kỳ hạn ngắn nhưng các khoản vay lại có kỳ hạn trung và dài hạn. Như vậy, nếu hoàn toàn dựa vào ngành ngân hàng sẽ có bất cập rất lớn về thanh khoản đối với thị trường tài chính và cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, phải phát triển thị trường chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu như một kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp. Nhưng đôi khi sự phát triển quá nhanh như thị trường trái phiếu lại dẫn đến những vụ việc mất niềm tin như vừa qua. 

Nâng cao dân trí, xây dựng chuẩn mực cho các sản phẩm đầu tư

"Với những người không có kiến thức về tài chính thì đầu tư thực sự như một mê hồn trận. Rõ ràng là đi ra ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng lại thành đầu tư trái phiếu doanh nghiệp", ông Tuấn chỉ ra. 

Nguyên nhân đầu tiên là do các sản phẩm đầu tư chưa có sự chuẩn mực, chưa có sự xếp hạng các sản phẩm này và cũng không có một cơ quan nào xác nhận tính hợp pháp, an toàn và phù hợp với nhà đầu tư.

Thứ hai là do dân trí tài chính còn thấp, thiếu lực lượng cố vấn tài chính nên nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng đầu tư vào sản phẩm không phù hợp với nhu cầu mục đích dẫn đến thua lỗ, mất tiền,...Một lượng lớn nhà đầu tư cùng rơi vào tình trạng trên khiến họ mất niềm tin vào thị trường.

Vì vậy, để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này và hướng tới sự phát triển, ông Tuấn nhấn mạnh cần 3 trụ cột: Nâng cao dân trí tài chính, phát triển lực lượng cố vấn tài chính độc lập và sản phẩm đầu tư phải có sự chuẩn mực.

Các sản phẩm đầu tư phải được pháp luật cho phép, phù hợp với nhà đầu tư theo tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không chuyên và những rủi ro về thanh khoản, rủi ro về đối tác đều phải được kiểm soát một cách chặt chẽ thì nhà đầu tư mới tránh được tình trạng mất niềm tin, ông Tuấn cho hay.

Hạ An