|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giai đoạn đối chiếu giữa kỳ vọng và thực tế trên thị trường chứng khoán

20:33 | 08/07/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch đầu tiên của quý III/2023 đầy biến động.

Còn nhiều cơ hội nhưng gia tăng biến động

Trong bối kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức và Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng sẽ gia tăng biến động và có tính chọn lọc cao. Đồng thời mùa báo cáo bán niên sẽ là giai đoạn nhà đầu tư đối chiếu được giữa kỳ vọng và thực tế. 

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ.

Dù  vậy, SSI cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức, do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, tiêu dùng trong nước chậm.

Với xu hướng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, SSI nhận thấy quý IV/2022 và quý I/2023 tăng trưởng âm liên tiếp, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại và đến quý II/2023 tốc độ giảm của lợi nhuận có thể sẽ tiếp tục thu hẹp, khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành bắt đầu có sự cải thiện lợi nhuận ngay trong quý II/2023.

Thị trường cũng không chịu áp lực nền so sánh cao ở quý cùng kỳ năm 2022. Đây là yếu tố đáng kể nâng đỡ thị trường tiếp tục xu hướng tích cực hiện tại.

Sau khi xem xét các yếu tố kỹ thuật về xu hướng cũng như các kỳ vọng cho giai đoạn tới, SSI nhìn nhận thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng sẽ gia tăng biến động và có tính chọn lọc cao do mùa báo cáo bán niên sẽ là giai đoạn nhà đầu tư đối chiếu được giữa kỳ vọng và thực tế.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECR (VNDIRECT) cho rằng, thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II với nhiều gam màu xám.

Nhiều dự báo cho rằng thị trường có thể tiếp tục ghi nhận một quý tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực, trong bối cảnh GDP Việt Nam tăng trưởng thấp trong quý II/2023, thị trường bất động sản "đóng băng" và mặt bằng lãi suất cho vay dù có giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần thận trọng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang có nhịp tăng khá mạnh gần đây, báo hiệu khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới diễn ra ngày 25-26/7.

Trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, tỷ giá VND đã có biến động khá mạnh trong 2 tuần gần đây, điều này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải lưu tâm đến và cân nhắc thận trọng hơn trong những bước đi nới lỏng chính sách sắp tới. Trong ngắn hạn, VNDIRECT cho rằng yếu tố cơ hội và rủi ro chưa thực sự nghiêng về bên nào.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index trải qua tuần giao dịch đầu tháng 7 và cũng là đầu quý III/2023 với khá nhiều cảm xúc và có mức độ biến động mạnh, khi 2 phiên đầu tuần tăng điểm lên vùng kháng cự quanh 1.140 điểm cùng thanh khoản thấp, dẫn đến áp lực bán khá mạnh đột ngột trong 2 phiên tiếp theo về vùng hỗ trợ 1.120 điểm.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (7/7), VN-Index tăng điểm mạnh để kết thúc tuần ở mức 1.138,07 điểm, tăng 1,6% so với tuần trước đó. Ngược lại HNX-Index giảm 0,66% so với tuần trước đó, về mức 225,66 điểm.

Tuần qua (từ 3 - 7/7), thanh khoản trên HOSE đạt hơn 77.623,64 tỷ đồng, giảm 6,3% với khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn, duy trì trên mức trung bình với áp lực bán ở nhóm có tính chất đầu cơ, nbất động sản, dịch chuyển gia tăng nhiều ở nhóm mã cơ bản tốt hơn. Thanh khoản HNX giảm 2,2% với 8.061,59 tỷ đồng được giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ trọng giao dịch; trong đó, họ bán ròng tuần thứ ba liên tiếp, giá trị bán ròng mạnh hơn với 1.856,6 tỷ đồng.

Về diễn biến tại các nhóm cổ phiếu, điểm nhấn trong tuần qua là nhóm chứng khoán. Theo đó, VCI tăng 11,48%, VDS tăng 9,89%, MBS tăng 7,03%, BSI tăng 6,79%, BVS tăng 6,38%...

Tại nhóm bất động sản, có nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình trong tuần qua. Có thể kể đến CEO giảm 6,72%, L14 giảm 6,27%, NLG giảm 3,18%, NVL giảm 2,36%...  Ở chiều ngược lại, những  mã phục hồi khá tích cực, với thanh khoản cải thiện như ITC tăng 6,25%, NHA tăng 5,65%, LGL tăng 4,91%, TDC tăng 3,53%....

Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su tăng mạnh như DTD tăng 13,13%, PHR tăng 9,91%, GVR tăng 9,54%, D2D tăng 8,58%, SZC tăng 7,55%... Cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ như DGW tăng 10,58%, PET tăng 6,73%, FRT tăng 5,03%, MWG tăng 5,08%...

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng phân hóa hơn, với sắc xanh và đỏ đan xen. Tích cực nhất là SHB tăng 8% trước thông tin bán vốn và chia cổ tức, NAB tăng 7,98%, LPB tăng 6,27%, VCB tăng 5%... Ở chiều ngược lại, các mã điều chỉnh như NVB giảm 8,5%, EIB giảm 4,71%, TCB giảm 2,47%, ACB giảm 1,59%...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần qua, nhưng kết thúc tuần vẫn hồi phục tích cực. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm trong tuần qua.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Trong cả tuần qua, ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm, sau khi khép lại nửa đầu năm với mức tăng mạnh. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm khoảng 1,2%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 2% và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,9%.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần 7/7, khi các nhà đầu tư đánh giá báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến và chờ thêm các số liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được công bố trong những tuần tới.

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,55% xuống 33.734,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29% xuống 4.398,95 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,13% xuống 13.660,72 điểm.

Fed vẫn được cho là sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp trong tháng này, sau khi dừng tăng lãi suất trong tháng 6, khi tăng trưởng việc làm vẫn vượt tốc độ trong một thập kỷ trước đại dịch. 

Người phụ trách chiến lược toàn cầu tại công ty tài chính LPL Financial, Quincy Krosby cho rằng, các nhà đầu tư thận trọng hơn trước khi bước vào mùa báo cáo lợi nhuận và số liệu lạm phát được công bố vào giữa tuần tới.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán sụt giảm trong phiên giao dịch chiều 7/7 sau một loạt số liệu củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,2% xuống 32.288,42 điểm. Tại Trung Quốc chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,9% xuống 18.365,70 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.196,61 điểm. Các thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Manila, Singapore, Đài Bắc, Mumbai và Jakarta cũng giảm điểm.

Văn Giáp