Thị trường chứng khoán khởi sắc hai tháng liên tiếp, nhà đầu tư 'lũ lượt' mở mới tài khoản giao dịch
250.000 tài khoản mở mới trong hai tháng 5 và 6
Theo báo cáo của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong nước tăng 145.864 đơn vị trong tháng 6. Con số này tăng khoảng 45.000 đơn vị so với tháng 5 (tương đương tăng 40%) và cao nhất trong vòng 10 tháng (kể từ tháng 9/2022). Như vậy, sau khi chạm đáy vào tháng 4 (chỉ đạt 22.926 tài khoản, thấp nhất kể từ tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ), thị trường ghi nhận hai tháng liên tiếp có số tài khoản mở mới trong nước đạt trên 100.000 đơn vị.
Tháng 6, các nhà đầu tư cá nhân đã mở mới 145.856 tài khoản chứng khoán trong khi tổ chức mở mới 8 tài khoản. Đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 7,25 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7,2% dân số.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, khối này mở mới 196 đơn vị (bao gồm 174 là cá nhân và 22 tài khoản từ tổ chức) trong tháng vừa qua. Con số này trong tháng 5 là 221 tài khoản.
Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trở lại diễn ra trong bối cảnh thị trường đang tiếp đà hồi phục. Báo cáo chiến lược mới đây của SSI Research cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững đà tăng trong tháng 6 khi tiếp tục nhận được động lực từ quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước. VN-Index kết phiên ngày 30/6 ở 1.120,2 điểm, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 11,2% từ đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, VN-Index tăng 11,2%, vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi - như MSCI EM Index tăng 11,65%.
Thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ khởi sắc
Nhóm phân tích của SSI nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo PYN Elite Fund, tháng 6 trôi qua với nhiều sự kiện kinh tế đáng chú ý. Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm 50% phí trước bạ ô tô và chính sách thị thực 90 ngày mới được thông qua để thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Quốc hội cũng thảo luận sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện đợt cắt giảm lãi suất thứ tư, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4,5% và lãi suất tái chiết khấu về 3%. Điều này dẫn đến VND yếu hơn một chút so với hai ngoại tệ EUR và USD. "Dòng tiền chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư cổ phiếu đã thúc đẩy giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên thị trường lên hơn 714 triệu USD", báo cáo của PYN Elite Fund nhận định.
Về vĩ mô, GDP Việt Nam quý II tăng 4,1% so với cùng kỳ, nâng mức tăng trưởng nửa đầu năm lên 3,7%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,1%, trong khi công nghiệp và xây dựng ghi nhận ở mức 2,5%. Xuất khẩu tháng 5 tăng 4,5% và nhập khẩu tăng 2,6% so với tháng 5, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến tháng 6, xuất siêu hàng hóa ở mức 12,3 tỷ USD (khoảng 289.000 tỷ đồng). CPI tháng 6 giảm 2% so với cùng kỳ và lạm phát vẫn còn duy trì.
Quỹ Phần Lan cho rằng, hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới. Kích cầu nội địa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là vô cùng quan trọng và Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực hành động để hướng tới mục tiêu đó.