|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp đầu tư chứng khoán 'tay ngang' đang lỗ đậm, có đơn vị tất toán tài khoản trong quý I

07:30 | 28/04/2023
Chia sẻ
Kết thúc quý I, thị trường chứng khoán chủ yếu diễn biến lình xình, nhiều cổ phiếu từng tăng mạnh và giảm sâu trong năm 2022 vẫn đang đi ngang ở vùng giá thấp. Diễn biến giá kém sắc của nhiều cổ phiếu khiến nhiều khoản đầu tư "tay ngang" của các doanh nghiệp lỗ.

Sau năm 2022 sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam lình xình chủ đạo trong quý I/2023 với các nhịp tăng giảm ngắn đan xen do chịu tác động bởi các yếu tố trái chiều. Giai đoạn tháng 1, thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh trên diện rộng nhờ động lực đến từ xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kết hợp với xu hướng mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại.

Phần còn lại của quý I, thị trường biến động giằng co theo xu hướng giảm trước các thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng như rủi ro đến từ hệ thống ngân hàng toàn cầu trước các sự kiện Silicon Valley Bank và Credit Suisse.

Diễn biến này của thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp "tay ngang" tham gia đầu tư chứng khoán thua lỗ, thậm chí có đơn vị đã tất toán khoản đầu tư của mình.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 mới công bố, CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) báo cáo danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty lỗ gần 47% (tương đương 83,9 tỷ đồng).

Cụ thể về các cổ phiếu trong danh mục, Vĩnh Hoàn nắm giữ 77,4 tỷ đồng cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (mức lỗ 42%); 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (- 67,8%); 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (-23,6%); và 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (- 41,7%).

Vĩnh Hoàn bắt đầu gia nhập làn sóng doanh nghiệp "tay ngang" từ quý I/2021 với giá trị đầu tư gốc hơn 8,6 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2022, giá vốn danh mục đầu tư này đã tăng gấp hơn 23 lần lên 200 tỷ đồng và biến động không nhiều những quý sau đó.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của VHC thời điểm đầu và cuối quý I/2023. (Nguồn: BCTC).

Tương tự, một công ty khác là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã: TLH), tại thời điểm 31/3/2023, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán đạt 89,7 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm và trích lập dự phòng giảm giá 49,5 tỷ đồng, giảm 21,4%. Như vậy, Thép Tiến Lên đang lỗ 55,2% tổng danh mục.

Theo báo cáo, Thép Tiến Lên đang nắm giữ 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán VIX (trạng thái lỗ 63,8%), 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (- 47,2%), 12,8 tỷ đồng cổ phiếu IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (- 49%) và 32,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (- 57,6%).

Danh mục chứng khoán kinh doanh của TLC thời điểm đầu và cuối quý I/2023. (Nguồn: BCTC).

Trong trường hợp khác, CTCP Đầu tư CMC (mã: CMC) ghi nhận doanh thu thuần hơn 9,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái; và lỗ ròng 476 triệu đồng. Giải trình doanh thu tài chính quý I giảm đến 97% so với cùng kỳ năm ngoái, CMC cho biết trong quý đầu năm thị trường chứng khoán không thuận lợi do vậy công ty nắm giữ không bán và mua thêm cổ phiếu làm ăn có hiệu quả trả cổ tức cao trong quý.

Kết thúc quý I, danh mục chứng khoán của CMC đang tạm lỗ 39,5% khi phải trích lập dự phòng giảm giá 11,7 tỷ đồng. Cụ thể, danh mục gồm 19 cổ phiếu với tổng giá trị không thay đổi so với đầu năm là 29,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu CMC đang nắm giữ có 10,9 tỷ đồng cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex; 9,4 tỷ đồng cổ phiếu EBS của CTCP Sách Giáo dục tại TP Hà Nội; 3,2 tỷ đồng cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát; 2,1 tỷ đồng cổ phiếu VLC của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam; 1 tỷ đồng cổ phiếu LTC của CTCP Điện nhẹ Viễn thông;… cùng loạt cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành.

Cuối quý I, CMCI lỗ nặng nhất ở cổ phiếu GEX (lỗ 66%, 7,2 tỷ đồng); các mã HPG, VLC, LTC cũng khiến công ty phải tăng trích lập dự phòng đáng kể.

Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh thời điểm đầu và cuối quý I/2023 của CMC. (Nguồn: BCTC).

Đầu tư CMC đã bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán từ năm 2016 với khoản đầu tư gần 70 tỷ đồng. Những năm sau đó, giá trị gốc đầu tư giảm dần và đi ngang quanh ngưỡng 20 - 30 tỷ đồng. Mặc dù tham gia thị trường lâu năm nhưng chưa năm nào CMC đầu tư chứng khoán có lãi. Năm 2022, CMC ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục của doanh nghiệp này với 11,7 tỷ đồng.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC).

Một công ty khác trong lĩnh vực bất động sản là CTCP Licogi 14 (mã: L14), công ty từng đầu tư 486 tỷ đồng vào mã CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O và DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Năm 2021 L14 từng báo lãi sau thuế tăng hơn 10 lần năm 2020, đạt hơn 371,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc, giá cổ phiếu CEO, DIG cũng sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận của Licogi 14 giảm sâu còn gần 19 tỷ đồng. Ghi nhận thời điểm cuối quý I, Licogi 14 (công ty mẹ) không còn nắm giữ cổ phiếu trong danh mục của mình.

Với Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã: PET), theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022, doanh thu thuần công ty giảm nhẹ xuống 17,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với năm 2021 còn 167,4 tỷ đồng, sự sụt giảm này chủ yếu do lỗ từ đầu tư chứng khoán.

Năm 2022 Petrosetco lỗ đầu tư chứng khoán kinh doanh 252,9 tỷ đồng trong khi năm 2021 chỉ lỗ gần 5,1 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận tài chính chuyển âm 265,5 tỷ đồng trong năm 2022 trong khi năm trước đõ lãi 9,2 tỷ đồng.  

Trong bối cảnh thị trường diễn biến lình xình sau giai đoạn giảm sâu như hiện nay, một số doanh nghiệp tiếp tục giữ danh mục đầu tư và thực hiện giao dịch cơ cấu, còn trường hợp khác vẫn giữ quan điểm đứng ngoài liên quan đến chiến lược đầu tư của công ty.

Ghi nhận tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN), một nhà đầu tư có ý kiến công ty đầu tư chứng khoán để gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho biết "việc mua cổ phiếu sẽ có một mức độ rủi ro nhất định. Là một công ty đầu tư về lĩnh vực vui chơi giải trí, công ty không khuyến kích việc dùng tiền đi đầu tư tài chính vì nếu không mất thì thôi mà mất là sẽ mất hết. Chỉ tận dụng dòng tiền nhàn rỗi và thật sự có cơ hội rõ ràng thì mới đầu tư, không nên mạo hiểm”.

Diệu Nhi

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.