|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao công ty chứng khoán top đầu vẫn rót tiền lớn vào trái phiếu: Góc nhìn từ khẩu vị đầu tư

20:11 | 26/04/2023
Chia sẻ
Niềm tin của giới đầu tư vào kênh trái phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ sau chuỗi thương vụ như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát hay nhóm bất động sản. Nhưng trái với lo ngại từ NĐT cá nhân, các tổ chức vẫn đang phân bổ một lượng tiền lớn vào kênh này, liệu điều này có mâu thuẫn?

Quan sát tại đại hội cổ đông thường niên năm nay của các công ty chứng khoán, một chủ đề làm nóng hội trường đó là câu chuyện đầu tư trái phiếu của các tổ chức. Cổ đông muốn ban lãnh đạo chia sẻ chi tiết hơn nữa về danh mục đầu tư trái phiếu của công ty.

Trong trường hợp, công ty đang nắm giữ trái phiếu của các tổ chức phát hành đang gặp vấn đề về thanh khoản, cổ đông công ty muốn nghe phương án giải quyết từ ban điều hành.

Những lo ngại trên là có cơ sở bởi thị trường đang chứng kiến làn sóng doanh nghiệp thông báo không thu xếp được nguồn tiền để trả lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn, đặc biệt với nhóm bất động sản, du lịch – khách sạn.

Đây là hệ quả từ khủng hoảng niềm tin vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Một chủ tịch ngân hàng thương mại mới đây cũng thừa nhận rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước qua thời kỳ khủng hoảng, khiến nguồn thu từ kênh trái phiếu của tập đoàn tài chính này và công ty chứng khoán con hiện chỉ bằng khoảng 10% giai đoạn trước đó.

Nhưng trái với suy nghĩ của đám đông, kênh trái phiếu vẫn đang được các công ty chứng khoán phân bổ một lượng vốn lớn. Suy nghĩ đám đông và quyết định đầu tư này liệu có mâu thuẫn?

Quy mô đầu tư trái phiếu của các công ty chứng khoán lớn. Nguồn: LH tổng hợp.

Trước hết, điểm qua hoạt động đầu tư trái phiếu của một số công ty chứng khoán lớn trên thị trường. Thống kê sơ bộ có trên 10 đơn vị có danh mục đầu tư trái phiếu trên 1.000 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2023. Tổng số tiền đầu tư trái phiếu của 10 CTCK này đạt trên 2 tỷ USD, trong đó có ba công ty có giá trị phân bổ trên 10.000 tỷ đồng là SSI (công ty mẹ), VNDirect (công ty mẹ) và VPBankS.

Chứng khoán TCBS hiện cũng đang nắm giữ gần 7.300 tỷ đồng trái phiếu. Nhóm CTCK liên quan đến ngân hàng cũng đang đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu như MBS, VCBS, SHS, TPS.

Tuy nhiên, khẩu vị đầu tư của các công ty chứng khoán lại khác nhau đáng kể. Chẳng hạn, với công ty chứng khoán có danh mục đầu tư trái phiếu lớn nhất ngành chứng khoán như SSI, khẩu vị rủi ro có vẻ an toàn hơn.

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính của Chứng khoán SSI. Ảnh: LH.

Tại đại hội cổ đông vừa tổ chức mới đây, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính của Chứng khoán SSI chia sẻ, danh mục đầu tư trái phiếu của công ty phân bổ 85% vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng (ngân hàng quốc doanh), xếp thứ hai là trái phiếu các ngành sản xuất tiêu dùng, năng lượng và tài chính (gần 15%) và bất động sản (0,2%).

Theo lý giải của lãnh đạo công ty chứng khoán này này, đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng là lựa chọn an toàn bởi loại trừ khả năng ngân hàng phá sản tại Việt Nam.

Nói thêm về quan điểm kinh doanh nguồn, Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính SSI cho biết, công ty đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh chính là margin và đầu tư. Trong những giai đoạn thị trường mà nguồn vốn kinh doanh đó không được sử dụng hết, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư vào các tài sản an toàn, linh hoạt chuyển thành tiền để đảm bảo thanh khoản.

Chiến lược đầu tư này cũng được lãnh đạo VietinBank Securities đề cập tại đại hội cổ đông năm nay, nhằm tối ưu hóa nguồn vốn chi phí thấp trong ngắn hạn của công ty.

Động thái đối lập với SSI, VNDirect nâng tỷ lệ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp lên 94,3% trong quý I/2023, trong khi giảm quy mô đầu tư vào trái phiếu từ các tổ chức tín dụng, trái phiếu chính phủ. Danh mục trái phiếu doanh nghiệp cụ thể không được công ty công bố.

Còn với Chứng khoán VPBank (VPBankS), sau khi tăng vốn điều lệ khủng, công ty chứng khoán này nâng quy mô đầu tư trái phiếu thêm hơn 3.000 tỷ đồng trong quý I. Danh mục cụ thể không được công ty thuyết minh.

Về phần danh mục đầu tư của TCBS, mặc dù không liệt kê cụ thể cuối tháng 3, nhưng thời điểm cuối năm 2022, công ty này đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của các công ty như Đầu tư và Phát triển Sài Gòn, VinFast, Golden Hill, Masan Meatlife.

Tương tự với nhiều công ty chứng khoán có giá trị đầu tư trái phiếu hàng trăm tỷ đồng cho đến dưới 2.000 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn. Giải pháp tình thế hiện nay được lựa chọn là bổ sung tài sản đảm bảo, còn kịch bản xuất hơn là đàm phán với các tổ chức phát hành để giãn nợ, thay đổi lịch trả nợ gốc.

Lợi nhuận từ hoạt động tự doanh trái phiếu của các công ty chứng khoán. Nguồn:LH tổng hợp.

Những phân tích trên cho thấy sự khác biệt về khẩu vị đầu tư của các công ty chứng khoán trên sàn. Mức độ chấp nhận rủi ro của các tổ chức là khác nhau, song, hoạt động đầu tư trái phiếu vẫn là một nghiệp vụ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thanh khoản sụt giảm, thiếu vắng các thương vụ tư vấn, phát hành lớn.

Trong quý đầu năm, VNDirect và SSI (công ty mẹ) báo lãi hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động đầu tư trái phiếu. Mức lợi nhuận từ nghiệp vụ này của SSI đạt gần 152 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ trong khi VNDirect nâng mức lãi 53% lên 199 tỷ đồng. Chiều ngược lại, TCBS giảm lợi nhuận từ gần 166 tỷ đồng xuống còn hơn 97 tỷ đồng.

Một số công ty từng ghi nhận khoản lợi nhuận lớn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ lại báo lỗ như MBS, Tân Việt (TVSI) hay TPS với số lỗ gần 252 tỷ đồng.

Lợi Hoàng