|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi nào chứng khoán Việt Nam vào chu kỳ ‘uptrend’: Góc nhìn từ ẩn số lãi suất và trái phiếu doanh nghiệp

08:25 | 31/03/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp khép lại quý đầu tiên của năm 2023. Đến hẹn lại lên, ông Petri Deryng - nhà quản lý quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa có báo cáo đánh giá về thị trường và giải đáp câu hỏi phần đông nhà đầu tư quan tâm “khi nào chứng khoán Việt Nam tăng tốc?”.

VN-Index tạo đáy giữa tháng 11 sau khi rơi xuống dưới mốc 900 điểm. Trong tháng đầu năm 2023, chỉ số vươn lên mốc đỉnh 1.100 điểm. Phần lớn thời gian sau đó VN-Index giao dịch trong khoảng 1.000 – 1.100 điểm.

“Trong tương lai, tốc độ phục hồi được quyết định bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, thanh khoản thị trường, lãi suất trên thị trường tài chính tại Việt Nam và việc giảm dần tác động của các nguồn yếu tố gây bất ổn”, ông Petri Deryng nhận định.

Ẩn số lãi suất, NĐT chờ tín hiệu thời điểm an toàn trở lại thị trường

Quan sát trong những tháng qua, lãi suất là yếu tố tác động lớn đến tâm lý thị trường. Lãi suất neo mức cao khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp khi chi phí lãi vay gia tăng áp lực trong bối cảnh sức mua giảm sút nghiêm trọng trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản do chi phí vốn làm dự án cao hơn, quyết định mua nhà bị hoãn lại do người mua muốn gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Trong khi hoạt động sản xuất chậm lại do xuất khẩu yếu.

Khi triển vọng thị trường bất động sản và công nghiệp không sáng cửa, sự kỳ vọng tăng trưởng nền kinh tế được đặt vào hoạt động dịch vụ. Trong quý đầu năm tỷ lệ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt gần 4%.

Nhưng như vừa nêu trên, lo ngại của giới đầu tư đến từ lãi suất, đây chính là nút thắt tháo gỡ cho thị trường và nền kinh tế. Sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng ở mức tốt. Căn cứ xu hướng trên, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đến gần.

 Tỷ lệ vay margin của thị trường đang ở mức rất thấp. Nguồn: Pyn Elite Fund.

Về phần dòng tiền đầu tư, lãi suất tăng cộng với việc thị trường không xuất hiện nhiều cơ hội khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng tiền ký quỹ (margin). Hiện tỷ lệ ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức rất thấp, tương quan với quy mô thanh khoản hiện giờ.

Theo quy định, các công ty chứng khoán có thể cho vay margin với quy mô gấp đôi vốn chủ sở hữu của công ty. Theo nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund, một năm về trước tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán là 124%. Nhưng trong những tháng qua, tỷ lệ margin thị trường ở mức rất thấp, chỉ đạt 58%.

“Các công ty chứng khoán đang hào hứng đưa ra các gói margin nhưng dường như khách hàng đang chờ đợi tín hiệu về thời điểm an toàn để quay trở lại thị trường chứng khoán. Việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là số phận của Credit Suisse đã khiến các nhà đầu tư trong nước phải lo lắng”, ông Petri Deryng nêu quan điểm.

Khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp dần giảm nhiệt

Bên cạnh lãi suất, như phân tích trên, những yếu tố gây bất ổn cũng là một khía cạnh tác động lớn đến sự hồi phục của thị trường. Góc nhìn của lãnh đạo Pyn Elite Fund, khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố gây bất ổn đáng kể trong nước.

Đỉnh điểm lợi suất trái phiếu lên tới 27% trong tháng 11/2022, hiện đang giao dịch trong khoảng 13 – 14%. Nhiều tổ chức đã mua lại trái phiếu trước hạn kéo giá trị trái phiếu đang lưu hành giảm từ 57 tỷ USD xuống dưới 50 tỷ USD. So với tổng dư nợ của thị trường, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chiếm dưới 10% do thị trường này chưa phát triển.

Khách hàng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vì khả năng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng Việt Nam bị hạn chế bởi quy định của Chính phủ. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã chịu rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp nhưng ông Petri cho rằng lượng trái phiếu quá hạn vẫn ở mức khá thấp, với giá trị khoảng 4 tỷ USD.

“Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả các bên hiện đã nhận thức rõ về các điều kiện thị trường. Đó là lý do tại sao chúng tôi không mong đợi những bất ngờ tiêu cực lớn trên thị trường trái phiếu trong tương lai. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa thị trường hoạt động tích cực trở lại, và một số đợt phát hành mới được ghi nhận vào tháng 3”.

Lợi Hoàng