|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nỗi sợ về các đợt tăng lãi suất quay trở lại

07:50 | 08/07/2023
Chia sẻ
Chứng khoán giảm điểm vào ngày 7/7 khi Phố Wall tiép tục lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục nâng lãi suất một lần nữa trong cuộc họp cuối tháng 7.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 187 điểm, tương đương 0,55%, xuống còn 33.735 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,29%, chốt phiên với 4.399 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,13%, đóng cửa với 13.661 điểm.

Chỉ số Dow Jones đã rơi vào chuỗi giảm điểm kéo dài 3 ngày.

Như vậy, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận một tuần giảm điểm. S&P đi xuống 1,16%, trong khi Nasdaq Composite mất 0,92%. Chỉ số Dow Jones cắm đầu 1,96%, đánh dấu tuần có kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2022.

Chứng khoán Mỹ đồng loạt cắm đầu trong tuần qua.

Báo cáo việc làm tháng 6 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động hạ nhiệt so với tháng 5. Số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 209.000, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%. 

Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã dự đoán số lượng việc làm mới lên tới 240.000, và tỷ lệ thất nghiệp tương đương.

Báo cáo cũng cho thấy tiền lương trong tháng 6 đã cao hơn dự kiến, làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có lý do để tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng 7.

Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng liền trước và 4,4% so với một năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 là 3,7%.

Tăg trưởng lao động giảm, nhưng tiền lương tăng trong tháng 6.

Sau báo cáo việc làm, thị trường đánh cược rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào cuộc họp ngày 26/7 với xác suất là 92%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã gợi ý rằng sẽ có hai đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023. 

Theo CNBC, thị trường sẽ chuyển sự chú ý sang thông tin lạm phát trong tuần tới để dự báo rõ hơn lộ trình của chính sách tiền tệ tương lai. 

Những người tham gia thị trường đang hy vọng dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, được công bố hôm 12/7 và chỉ số giá sản xuất (PPI) được công bố hôm 13/7, sẽ cho thấy lạm phát đang đi xuống.

“CPI là một con số quan trọng”, ông James Ragan, Giám đốc nghiên cứu quản lý tài sản tại D.A. Davidson, nói. Nhìn vào phản ứng thị trường trong hai ngày qua, “có thể thấy rằng vẫn còn nhiều cuộc thảo luận về lộ trình lãi suất sẽ ra sao, và Fed sẽ làm gì”. Ông Ragan cho rằng chỉ số CPI sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng lãi suất và chính sách trên thị trường.

Dow Jones sắp đi xuống dưới đường bình quân trượt 50 phiên (MA50).

Ông Keith Lerner, Giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services nhận định: “Tình hình hiện nay là một bức tranh hỗn tạp. Có một tin tốt là nền kinh tế không sụp đổ và vẫn đang phát triển. Nhưng vẫn tồn tại những áp lực về tiền lương sẽ khiến Fed có khả năng nâng lãi suất vào cuối tháng”.

Trong ngắn hạn, ông Lerner cho biết cổ phiếu đã sẵn sàng cho một đợt giảm giá sau một tháng 6 và quý II thành công. Thị trường có thể rơi vào quá trình củng cố và biến động khi bước vào mùa báo cáo thu nhập sắp tới.

Theo ông Mark Hackett, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư của Nationwide, cũng cho rằng thị trường đã sẵn sàng cho một đợt giảm giá sau một khởi đầu mạnh mẽ trong năm.

Ông nói: “Thị trường tăng trưởng và các điều kiện mua quá mức tạo tiền đề cho một giai đoạn củng cố tự nhiên và lành mạnh khi chúng ta tới gần mua thu nhập”. Bất chấp những kỳ vọng này, ông Hackett cho biết nửa đầu năm khởi sắc mạnh mẽ là một “điềm tốt” cho sự trở lại vào cuối năm 2023. 

 

Minh Quang

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 28/6: Tiếp tục điều chỉnh
Theo dự báo của công ty chứng khoán, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.