|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mọi tài sản rủi ro tại Mỹ đều đang ở trong bong bóng?

11:52 | 07/07/2023
Chia sẻ
Giá của các tài sản rủi ro đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2023, bất chấp hàng loạt mối đe dọa bao gồm lạm phát cao, lãi suất gia tăng, chiến sự ở châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Nhà đầu tư theo dõi đồ thị giá. (Ảnh: Getty Images). 

Bong bóng hồi sinh

Đối với một số nhà đầu tư, năm 2022 đã giúp họ thở phào nhẹ nhõm. Cổ phiếu rớt giá mạnh, nhưng ít nhất, thị trường đã bắt đầu giao dịch theo hướng hợp lý. 

Trong thập kỷ trước đó, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã bơm ra một lượng lớn tiền mặt để mua trái phiếu. Nhờ đó, lãi suất được duy trì ở mức cực thấp, hay thậm chí là âm.

Kết quả là, các NHTW đã góp phần tạo ra cái gọi là “bong bóng vạn vật" (everything bubble) – cơn cuồng đầu cơ khiến định giá mọi tài sản tăng vọt, từ cổ phiếu, nhà đất cho đến tiền mã hóa.

Rõ ràng, các cơn sốt đầu cơ sẽ không bao giờ kết thúc một cách tốt đẹp, và chuyện này đã được chứng minh trong năm 2022.

Lạm phát đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tiền rẻ, bong bóng vạn vật vỡ tung, giá tài sản lao dốc. Đầu tư có vẻ sẽ lại phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản đáng tin cậy, thay vì sự cường điệu như trước.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên đã bị bất ngờ bởi diễn biến của thị trường vài tháng qua. Theo tờ Economist, chứng khoán Mỹ và các thị trường trên toàn thế giới đã tăng chóng mặt.

Không chỉ chứng khoán, các loại tài sản rủi ro đều đã thể hiện sức bền bỉ đáng kinh ngạc trước những thông tin có vẻ tiêu cực.

Tại Mỹ, chỉ số các trái phiếu “rác” do Bank of America tổng hợp từng sụt giảm 15% trong năm 2022, nhưng đến giờ đã khôi phục được một nửa mất mát. Một chỉ số trái phiếu rác tương tự ở châu Âu cũng vậy.

Thị trường nhà ở cũng cho thấy dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dù giá bất động sản toàn cầu mới chỉ giảm 3% kể từ đỉnh.

 

Bất ngờ lớn nhất đến từ các tài sản còn mang tính đầu cơ hơn nữa. Bitcoin – biểu tượng của thời kỳ tiền rẻ, đồng tiền mà nhiều chuyên gia coi là không có giá trị nội tại – đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt.

Người mua bitcoin từ trước năm 2021 và nắm giữ đến bây giờ đã lại một lần nữa có lãi, dù không bằng giai đoạn giá tăng cao kỷ lục hai năm trước. Thậm chí trong năm 2022, giá trị các giao dịch NFT cũng đạt 1,5 tỷ USD, cao gấp 70 lần năm 2020.

Nói cách khác, bong bóng vạn vật có vẻ đã sống sót bất chấp sự trở lại của lạm phát, lãi suất gia tăng, chiến sự ở châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế. Liệu còn điều gì có thể chọc thủng nó?

Can đảm hay ngốc ngếch

Thanh khoản thường được các chuyên gia coi là một trong các yếu tố có thể chấm dứt bong bóng tài sản. Và lúc này, thanh khoản đang bị rút ra khỏi hệ thống tài chính, chủ yếu thông qua Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ.

Fed đang hút 95 tỷ USD thanh khoản mỗi tháng bằng cách để mặc một số trái phiếu Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp đáo hạn mà không tái đầu tư số tiền thu được.

Còn Bộ Tài chính Mỹ, theo một số ước tính, sẽ phải phát hành 1.000 tỷ USD nợ mới trong mùa hè năm nay để phục hồi lượng tiền mặt cần thiết trong tài khoản sau cuộc khủng hoảng trần nợ hồi đầu năm.

Cung tăng từ Bộ Tài chính và cầu giảm do Fed sẽ khiến giá trái phiếu Kho bạc đi xuống.

Như vậy, lợi suất trái phiếu Kho bạc “an toàn” sẽ đi lên, làm giảm bớt sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro. Và nhìn chung, điều này cũng sẽ khiến nhà đầu tư nắm giữ nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ hơn và ít tiền mặt đi.

Kết quả là nhà đầu tư sẽ không còn sẵn nhiều tiền để mua tài sản rủi ro dù giá của chúng có sụt giảm trong tương lai. Do đó, nguy cơ về một vụ sụ đổ nghiêm trọng trên thị trường đang tăng lên.

Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải là kịch bản mà thị trường đang đặt cược vào. VIX, chỉ số đo lường biến động dự kiến của giá cổ phiếu – hay còn gọi là thước đo sự sợ hãi của Phố Wall -  đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ trước đại dịch COVID-19.

Nhưng các nhà phân tích tại ngân hàng UBS chỉ ra rằng tín hiệu này thực chất lại đáng ngại hơn nhiều người tưởng.

Họ phát hiện rằng VIX sụt giảm chủ yếu là do mối tương quan giữa các cổ phiếu đang ở mức thấp bất thường, nghĩa là diễn biến của chúng triệt tiêu lẫn nhau. Nếu các cổ phiếu bắt đầu di chuyển cùng hướng, biến động có thể tăng đột ngột.

Trong khi đó, cũng như với mọi bong bóng trước đây, định giá tài sản đã được đẩy lên cao đến mức không bền vững. Thị trường chứng khoán Mỹ là ví dụ điển hình nhất.

Lợi tức cổ phiếu (earnings yield) của chỉ số S&P 500 hiện chỉ bằng với lãi suất phi rủi ro của Fed, chứng tỏ chứng khoán đang được định giá quá cao.

 

Nhưng chứng khoán Mỹ không phải ví dụ duy nhất. Nhóm chuyên gia của UBS đã phân tích giá cả hàng hóa, cổ phiếu, tiền mã hóa và tín dụng và đi đến kết luận mức giá trên các thị trường này phản ánh kỳ vọng rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6%/năm, cao hơn một chút so với tốc độ dài hạn và gấp đôi con số hiện tại.

Liệu đây là có phải lúc các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh trên thị trường? Đây là ván cược hấp dẫn, nhưng có lẽ ngu ngốc hơn là dũng cảm. Kinh nghiệm gần đây cho thấy rằng bong bóng vạn vật có thể sống sót rất lâu.

Giang