|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán không tin Mỹ sẽ suy thoái

13:52 | 03/07/2023
Chia sẻ
Một chuyên gia chứng khoán dự đoán rằng nếu nền kinh tế Mỹ vẫn trụ vững đến hết quý III thì suy thoái sẽ không xảy ra.

Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images). 

Suy thoái "trễ hẹn"

Các nhà kinh tế, nhà đầu tư và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục cảnh báo rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023. Nhưng hiện giờ, ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng phải đến đầu năm sau kịch bản này mới lộ diện.

Ông Brian Moynihan, CEO của Bank of America, tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào đầu năm 2024, thay vì trong năm nay như dự đoán trước đó.

Tương tự, các nhà kinh tế của Vanguard viết trong báo cáo triển vọng giữa năm rằng rất có thể Mỹ sẽ gặp suy thoái, và “khả năng suy thoái có thể bị trì hoãn từ năm 2023 sang năm 2024 đã tăng lên”.

Còn các nhà kinh tế của JPMorgan thì viết trong lưu ý tuần trước rằng “các nền kinh tế trên thế giới có thể đồng loạt sa sút trong năm 2024”.

Năm ngoái, các nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán rằng có khả năng Mỹ sẽ gặp suy thoái trong đầu năm 2023, sau khi Fed khởi động chiến dịch tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.

Tuy nhiên, cho tới nay Mỹ vẫn trụ vững và nền kinh tế chứng tỏ được sức bền đáng ngạc nhiên. Do đó, các dự báo về suy thoái đã được đẩy lùi sang khoảng thời gian ngày càng xa.

Ông David Grecksek, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư tại Aspiriant, bình luận: “Nếu mọi người cứ lùi dự báo về suy thoái, chẳng phải điều này có nghĩa là suy thoái sẽ không xảy ra hay sao?”

Uớc tính chính xác khi nào suy thoái bắt đầu là công việc rất khó khăn bởi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ thường có độ trễ.

Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Quốc hội rằng các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần “khoảng một năm” để phát huy hết tác dụng lên nền kinh tế.

Fed bắt đầu tăng lãi suất suất vào tháng 3 năm ngoái. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể sắp chứng kiến toàn bộ ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Fed và lạm phát tới nền kinh tế.

Giám đốc Grecsek nói rằng nếu nền kinh tế vẫn duy trì được sức mạnh trong quý III, suy thoái có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng ông cảnh báo rằng “giờ vẫn còn quá sớm để nói trước”.

Thị trường đang phát đi tín hiệu gì?

Thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không cho thấy dấu hiệu nào rằng nền kinh tế có thể sắp suy sụp.

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ là “phong vũ biểu” cho nền kinh tế Mỹ vì chúng dễ bị ảnh hưởng bởi các công ty tài chính và doanh thu chủ yếu đến từ nguồn nội địa.

Trong những tuần gần đây, nhóm cổ phiếu này cũng đã tham gia đà tăng chung của thị trường, giúp chỉ số Russell 2000 tăng 6,8% từ đầu năm đến nay.

Điều này cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư đang gia tăng, bởi độ rộng của thị trường đang lớn lên dù các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn vẫn tiếp tục dẫn dắt cuộc phục hồi.

Chứng khoán Mỹ đã bước vào thị trường giá lên vài tuần trước. 

Một dấu hiệu tích cực khác là nhóm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu thuộc chỉ số S&P 500 đã nhảy vọt 30% trong năm 2023. Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ cho thấy công chúng vẫn đang mạnh tay mua sắm.

Và các quỹ thị trường tiền tệ đã chứng kiến dòng tiền chảy ra trong tuần kết thúc vào ngày 14/6, lần đầu tiên kể từ tháng 4, theo Viện Doanh nghiệp Đầu tư Mỹ. Dòng tiền tiếp tục chảy ra ngoài vào tuần kế tiếp.

Ông Brian Mulberry, nhà quản lý danh mục tại Zacks Investment Management, đánh giá rằng các nhà đầu tư đang rút tiền khỏi nơi an toàn – quỹ thị trường tiền tệ - để đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ. Và như vậy, đây là dấu hiệu cho thấy Phố Wall đang cảm thấy vững tâm hơn về nền kinh tế.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu lại có ý kiến khác. Theo Fed chi nhánh San Francisco, đường cong lợi suất trái phiếu phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm vẫn đảo ngược – hiện tượng đã xảy ra trước toàn bộ 10 cuộc suy thoái kể từ năm 1955.

Kết luận

Ông Tim Courtney, Giám đốc đầu tư tại Exencial Wealth Advisors, chỉ ra rằng Phố Wall không thống nhất được ý kiến về tương lai của nền kinh tế.

Trong vài năm qua, thị trường và nền kinh tế Mỹ đã trải qua những sự kiện chưa từng có như COVID-19, các gói kích thích nghìn tỷ USD của chính phủ và chiến dịch tăng lãi suất quyết liệu của Fed.

Các dữ liệu kinh tế tốt xấu lẫn lộn càng khiến nhà đầu tư khó đưa ra nhận định về sức khỏe của nền kinh tế nói chung.

Ông Courtney nhấn mạnh: “Trong quá khứ chưa có tình huống nào như hiện nay để chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng thị trường không thực sự không biết phải dự đoán như thế nào”.

Giang