Góc nhìn chuyên gia: TTCK đang tăng dốc, NĐT không nên FOMO, phải chọn lọc cổ phiếu kỹ càng
Tâm lý FOMO mạnh mẽ khi VN-Index vượt 1.200 điểm
Trong giai đoạn từ tháng 5 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) mà đại diện là VN-Index ghi nhận xu hướng tăng nhờ động lực chính là những đợt cắt giảm lãi suất cùng các chính sách hỗ trợ kinh tế của nhà nước liên tục được đưa ra. VN-Index vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm vào cuối tháng 7, cùng với đó là thanh khoản tăng vọt.
Thị trường tăng nhưng không phải ai nào cũng... vui. Chia sẻ với người viết, chị Thoa Nguyễn, ngụ tại Ba Đình, Hà Nội, cho hay vợ chồng chị đang cực kỳ tiếc nuối không kịp “đón sóng” dù đã bàn tính sẽ mua một số cổ phiếu ngành thép hay bất động sản,...
“Thấy thị trường cứ đi ngang xập xình trong những tháng đầu năm nên anh chị cũng không nghĩ cổ phiếu lại thay đổi xu hướng nhanh như vậy. Hiện phần lớn tiền của hai vợ chồng vẫn đang gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất không còn tốt như năm trước. Nhìn cổ phiếu định mua đã tăng 50 - 70% chỉ trong vài tháng mà đứt hết cả ruột”, chị Thoa chia sẻ.
Trường hợp của chị Thoa không phải hiếm. Liên hệ với nhân viên môi giới của vài công ty chứng khoán có thị phần Top10, người viết được biết hiện họ đang thường xuyên nhận loạt tin nhắn, gọi điện của khách hàng, nhất là các nhà đầu tư mới hỏi rằng: “Bây giờ mua gì khi hầu như mã nào cũng đã vọt lên?”, “hành động ra sao khi VN-Index vượt 1.200 điểm?” hay “có nên FOMO không em?”,...
Tâm lý chung càng được đẩy lên cao trào khi VN-Index cứ tăng qua mỗi tuần cùng dòng tiền cuồn cuộn rót vào thị trường.
FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear of missing out”, chỉ trạng thái tâm lý lo lắng, sợ bỏ lỡ cơ hội. FOMO dẫn dắt lòng tham và đánh thức nỗi sợ sâu thẳm của mỗi người nên thường được coi là "cái bẫy" với không chỉ các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) mà còn với cả những nhà đầu tư lâu năm.
Tâm lý này thường phát sinh khi TTCK đang có xu hướng tăng trưởng tốt và có một nhận thức rằng nó sẽ tiếp tục như vậy. Khi thị trường tiếp đà tăng trưởng, FOMO sẽ dẫn dắt nhà đầu tư giao dịch theo tâm lý đám đông. Khi xuất hiện mã cổ phiếu tăng mạnh, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội sinh lời khiến họ không ngần ngại xuống tiền ngay lập tức.
Cẩn trọng khi thị trường tăng quá nhanh
Trao đổi với người viết, ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Môi giới của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết thanh khoản tháng 7 cao đột biến, đạt xấp xỉ 21.100 tỷ đồng, so với trung bình các tháng đầu năm chỉ khoảng 14.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy dòng tiền ngày càng đổ vào thị trường, nhất là giai đoạn trên 1.000 điểm.
Xu hướng tích cực này có động lực từ việc chính phủ cắt giảm lãi suất cả đầu vào và đầu ra, đẩy mạnh đầu tư công, dữ liệu vĩ mô tháng 7 tốt hơn các tháng trước,... Nhờ đó, VN-Index vượt 1.200 điểm cùng thanh khoản tăng mạnh.
Tuy nhiên, ông Hùng lo ngại rằng lãi suất đã giảm liên tục nhiều tháng nhưng các yếu tố vĩ mô, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện đáng kể. Trong khi hiệu quả kinh doanh chưa tăng mà giá cổ phiếu đã “phi” rồi thì cần thiết phải thận trọng. Về phía các công ty chứng khoán, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đã tăng lên 150.000 tỷ đồng tại cuối quý II. Ông Hùng chỉ ra tỷ lệ dự nợ/vốn hóa thị trường đang đạt khoảng 7,4%, là mức rất cao, thậm chí vượt hơn cả giai đoạn trước dịch COVID-19 là khoảng 4,5%. Đây cũng là một yếu tố đáng quan tâm.
Do đó, chuyên gia VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng khi quyết định giải ngân trong thời gian còn lại quý III (tháng 8-9), kiểm soát dư nợ vay margin. Nếu quyết định mua mới, nhà đầu tư nên quan tâm đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III, quý IV, chỉ số P/E hợp lý.
Những tháng cuối năm, ông Hùng khuyến nghị quan tâm đến nhóm ngành xuất khẩu, bao gồm các mặt hàng có cải thiện được xuất khẩu qua hàng tháng, trong đó có các lĩnh vực như sợi, dệt may, thủy sản, sắt thép, gạo, phân bón... Ngành hàng không cũng được kỳ vọng sẽ dần hồi phục trong năm nay. Ngành chứng khoán được dự báo hưởng lợi nhờ thanh khoản, thị trường tăng trưởng, việc hệ thống KRX đưa vào hoạt động cùng triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghệ, đầu tư công,... vẫn đáng quan tâm.
“Sau đợt tăng giá này, dự báo cổ phiếu có sự phân hóa theo hướng cổ phiếu nào có kết quả kinh doanh tốt sẽ giữ giá hoặc tăng tiếp, ngược lại cổ phiếu có kết quả kinh doanh đi xuống sẽ chững lại hoặc giảm. Thêm vào đó, trong mỗi ngành còn có sự phân hóa chứ không phải cổ phiếu nào trong cùng ngành cũng có kết quả kinh doanh giống nhau”.
Nhà đầu tư nên bình tĩnh, tránh mua đuổi
Tại Talkshow “Phố Tài chính”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư của Chứng khoán An Bình (ABS) chỉ ra mốc 1.200 điểm là một ngưỡng kháng cự mạnh lịch sử và tại thời điểm năm 2007 và 2018, mỗi khi thị trường lên mức này thì đều đã có một đợt giảm điểm mạnh khoảng 300 điểm. Với thị trường trong thời gian gần đây thì đã có một nhịp hồi phục từ tháng 11/2022 lên 38% và đang ở tuần thứ 37 của nhịp hồi phục.
Nếu trong điều kiện bình thường, nhiều khả năng sẽ có một nhịp điều chỉnh trên khung ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện tại các chính sách hỗ trợ của chính phủ rất đáng kể, bên cạnh đó lãi suất, tỷ giá ổn định; các nút thắt trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được gỡ bỏ dần, mức định giá của thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức khá dễ chịu thì việc thị trường có vượt được ngưỡng 1.200 điểm hay không, thời gian tới nó sẽ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong trường hợp tích cực vẫn có thể kỳ vọng thị trường lên được vùng 1.275 - 1.285 điểm.
Theo bà Linh, tại thời điểm này thị trường đang ở ngưỡng kháng cự mạnh do đó nhà đầu tư nên bình tĩnh, tránh mua đuổi với những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đối với các nhà đầu tư trung hạn đã có vùng mua cổ phiếu ở mức giá tốt, chuyên gia ABS khuyên nên tiếp tục chờ đợi thị trường điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng.
Các nhà đầu tư có thể quan tâm đến những ngành như đầu tư công, năng lượng, lương thực - thực phẩm và những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trong tháng 8 - 9 nhưng không ảnh hưởng xu hướng trung dài hạn
Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cũng cho rằng thị trường đã tăng khá nhanh, nhiều cổ phiếu từ cuối năm 2022 đến nay đã gấp 2, gấp 3 lần. Do đó, việc tăng giá tiếp trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ khó hơn. “Ví dụ một cổ phiếu đã tăng từ 10.000 đồng/cp lên 20.000 đồng/cp. Bây giờ cổ phiếu này muốn tăng gấp đôi lên 40.000 đồng/cp thì tức là gấp 4 lần so với đáy, là một chuyện rất khó”, ông Khánh chia sẻ.
Thị trường tăng quá nhanh so với bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể, hầu như không có đợt điều chỉnh nào trong những tháng gần đây.
Về phía nhà đầu tư, ông Khánh cho rằng lẽ ra nhà đầu tư nên mua từ trước đó. Với những nhà đầu tư đã “lỡ sóng”, ông Khánh chỉ ra hai phương án.
Thứ nhất là tiếp tục chờ đợi cho nhịp điều chỉnh. Thứ hai, nhà đầu tư vẫn quyết định giải ngân thì phải chấp nhận đầu tư trung dài hạn.
Trong khi đó, việc đầu tư ngắn hạn có rủi ro khi thị trường đang ở các vùng kháng cự lớn, chưa kể nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nhà đầu tư ưa thích lướt sóng không nên sử dụng margin vào lúc này. Trong quá khứ, nhà đầu tư dễ bị mất tiền khi quá FOMO.
Theo ông Khánh, có thể nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9, tuy nhiên không làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường cũng như xu hướng đi lên dài hạn.