|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Có thực sự đáng ngại tiền mặt ở nhiều công ty chứng khoán lớn giảm sâu thời điểm cuối quý II?

08:00 | 02/08/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán thăng hoa đẩy nhu cầu vốn tăng cao, hệ quả là nhiều công ty chứng khoán như VPS, VPBanks, HSC, SSI, Vietcap giảm hàng ngàn tỷ đồng tiền và tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán. Nhưng trước đó, một số CTCK vừa gia tăng hạn mức tín dụng hay tăng vốn qua phát hành cổ phiếu.

Lượng tiền mặt của nhiều công ty chứng khoán giảm sâu khi nhu cầu vốn tăng cao

Theo thống kê của người viết đối với 54 công ty chứng khoán hàng đầu, tổng lượng tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 33.355 tỷ đồng. Con số này giảm đáng kể 31% so với đầu năm và giảm 2% so với thời điểm cuối quý I. Trong đó, 37 đơn vị giảm lượng tiền so với đầu năm, chiếm tỷ lệ hơn 2/3.

Theo số tuyệt đối, Chứng khoán VPS có mức giảm lớn nhất, từ 9.191 tỷ đồng vào đầu năm xuống còn 4.470 tỷ vào cuối tháng 6, tương ứng với giảm hơn 4.700 tỷ đồng (51%).

Cũng ghi nhận giảm mạnh lượng tiền nắm giữ là Chứng khoán VPBank (VPBankS). Báo cáo tài chính quý II ghi nhận lượng tiền và tương đương cuối kỳ chỉ 778 tỷ đồng, tức giảm hơn 4.300 tỷ đồng so với trên 5.100 tỷ đồng vào đầu năm, tương đương mức giảm 85%.

Tại 30/6, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) ghi nhận lượng tiền và tương đương trên 3.000 tỷ đồng, giảm khoảng 2.600 tỷ đồng so với đầu năm.

Nhiều trường hợp khác cũng thu hẹp lượng tiền trên cả ngàn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm kể đến như Chứng khoán VietCap (Mã: VCI) (giảm 1.521 tỷ đồng), Mirae Asset Việt Nam (giảm 1.513 tỷ đồng), Chứng khoán VIX (giảm 1.330 tỷ đồng) hay Chứng khoán SSI (giảm 1.263 tỷ đồng).

Lượng tiền và tương đương tiền của các công ty chứng khoán. Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, số ít đơn vị đã quyết định gia tăng lượng tiền nắm giữ. Đơn cử, Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán Tiên Phong (Mã: ORS) ghi nhận lượng tiền cuối tháng 6 đạt lần lượt 5.761 tỷ và 2.431 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 3.356 tỷ và 2.416 tỷ đồng của thời điểm đầu năm.

Xu hướng giảm đáng kể lượng tiền cho thấy nhu cầu vốn tăng cao khi thị trường chứng khoán phục hồi trở lại. Các công ty chứng khoán thường tăng cường sử dụng vốn kinh doanh cho các hoạt động tự doanh hay cung cấp lượng tiền nhiều hơn ở nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) khi nhu cầu sử dụng đòn bẩy ngày càng tăng.

Thêm vào đó, tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành chứng khoán vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, điển hình như xu hướng giảm phí đến zero-fee trong thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán sử dụng một lượng vốn để tung ra gói cho vay với lãi suất ưu đãi trên thị trường.

Nhiều công ty chứng khoán công bố hạn mức tín dụng khủng

Trước bối cảnh nhu cầu vốn của thị trường tăng cao, quan sát trong tháng 6, một số đơn vị đầu ngành thông báo đã được ngân hàng cấp thêm hạn mức tín dụng. Đây cũng là khoản mà công ty chứng khoán có thể dùng giải ngân vào thị trường.

Đơn cử, Chứng khoán HSC công bố về việc được ba ngân hàng phê duyệt cấp tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng tới 11.000 tỷ đồng. Với quy mô lớn hơn, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) công bố việc hội đồng đầu tư phê duyệt hạn mức tín dụng với số tiền tối đa 16.000 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 6, ban lãnh đạo VNDirect đã thông qua việc sử dụng vốn vay, bảo lãnh và thẻ tín dụng với tổng giới hạn tín dụng 10.000 tỷ đồng. Số tiền này dùng bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Nếu cộng chung, hạn mức tín dụng của SSI, HSC và VNDirect nêu trên đạt tổng cộng 27.000 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ lượng dư nợ margin tăng thêm trong quý II của ngành chứng khoán (mức dư nợ các công ty chứng khoán đạt khoảng 150.000 tỷ đồng tại 30/6).

Danh sách công ty chứng khoán thông báo về hạn mức tín dụng tại các ngân hàng nối dài với nhiều đơn vị khác như DNSE (2.000 tỷ đồng), Smart Invest (550 tỷ đồng)... Việc các công ty chứng khoán nắm giữ một lượng lớn tài sản là chứng chỉ tiền gửi sẽ giúp các đơn vị này sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng lớn.

Tiếp diễn làn sóng tăng vốn qua phát hành cổ phiếu

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, trong bối cảnh cần thêm nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh, nhiều công ty chứng khoán đã và đang thực hiện chiến lược tăng vốn qua phát hành thêm cổ phiếu. Các tờ trình về phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên 2023 (tập trung vào tháng 3 đến tháng 4).

Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) từng muốn tăng vốn trong 2022 nhưng chưa thành công do yếu tố thị trường. ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi tháng 4 đã thông qua phương án phát hành/chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ lên 4.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý I/2024.

Mặc dù SSI hiện có vốn điều lệ lớn nhất ngành chứng khoán với 15.011 tỷ đồng, nhưng năm nay công ty vẫn tiếp tục kế hoạch chào bán tối đa 104 triệu cổ phiếu. Dự kiến sau khi chào bán, SSI sẽ sở hữu vốn điều lệ hơn 16.000 tỷ đồng. Thời gian dự kiến chào bán trong năm 2023 - 2024 hoặc thời hạn khác do hội đồng quản trị quyết định. 

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của SSI . (Ảnh: SSI).

Chứng khoán Techcom (TCBS) cũng phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và việc tăng vốn được công ty dự kiến thực hiện trong năm 2023.

Ngoài những đơn vị kể trên, nhiều công ty chứng khoán vẫn tiếp tục cuộc đua tăng vốn, đặc biệt ở nhóm vừa và nhỏ như DSC, DNSE, Smart Invest, Nhất Việt... Việc trường vốn sẽ giúp công ty chứng khoán có thêm cơ hội phát triển các mảng nghiệp vụ và tăng sức cạnh tranh với những "ông lớn" trong ngành.

Xuân Nghĩa