|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều quỹ đánh bại VN-Index trong tháng 7 nhờ cổ phiếu bất động sản, xuất hiện hai đơn vị có tỷ suất sinh lợi trên 20%

07:18 | 11/08/2023
Chia sẻ
Nhiều quỹ nội ghi nhận hiệu suất đầu tư dương trong tháng 7 vừa qua. Đáng chú ý, hai quỹ TVGF3 và TVGF4 có mức tăng trưởng ấn tượng trên 20%.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bứt phá trong tháng 7, VN-Index tăng 9,2% cùng thanh khoản bùng nổ. Động lực chính khiến thị trường tiếp tục đi lên trong tháng qua đến từ đà tăng của nhóm vốn hóa lớn (VN30) và vừa (VNMID), khi lần lượt tiến 9,6% và 11,5%. Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) chỉ có mức tăng 6,53%.

Sự vận động này phù hợp với bối cảnh dòng tiền của VN-Index trong thời gian qua khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa chiếm phần lớn danh mục của tổ chức trong nước. Trong thời gian qua nhóm VN30 dẫn đầu về giá trị giao dịch khớp lệnh khi tăng 141,4% so với tháng trước, nhóm VNSML theo sau tăng 135,8% trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa là VNMID tiếp tục tăng 123,7% trên mức nền cao của tháng trước đó.

Trong bối cảnh đó, nhiều quỹ đầu tư nội đã có kết quả tăng trưởng trong tháng 7. Theo khảo sát của người viết, 9 quỹ đã cập nhật giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/ccq) có mức tăng trưởng dao động từ 5,5% (Quỹ Đầu tư Năng động Eastspring Investments Việt Nam) đến 26% (Quỹ đầu tư tăng trưởng TVGF4). Trong đó, có nhiều trường hợp vượt hơn mức tăng của VN-Index (9,2%) gồm: Hai quỹ TVGF3 và TVGF4 thuộc Quản lý quỹ Thiên Việt, hai quỹ DCBC và DCDS thuộc Dragon Capital, Quỹ Đầu tư Lợi thế Cạnh tranh Bền vững SSI (SSI-SCA) thuộc SSIAM.

 

Hai thành viên Quản lý quỹ Thiên Việt có hiệu suất đầu tư trên 20%

Có hiệu suất đầu tư ấn tượng trong tháng 7 là Quỹ đầu tư tăng trưởng TVGF4 và TVGF3 cùng thuộc CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM), với NAV/ccq tăng lần lượt 26% và 21%.

(Nguồn: TVAM).

Theo giới thiệu, TVGF4 tập trung đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết và sắp niêm yết trên TTCK Việt Nam có tiềm năng phát triển dài hạn, đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, minh bạch tài chính, mô hình kinh doanh có lợi thế cạnh tranh cao, sản phẩm và dịch vụ khác biệt, thị phần đáng kể và có chiến lược thoái vốn rõ ràng cho nhà đầu tư.

TVGF3 cũng có chiến lược đầu tư tương tự TVGF4. Khác biệt là TVGF3 đã được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Quy mô đạt 199 tỷ đồng. Danh mục của TVGF3 có từ 5 đến 20 cổ phiếu với tỷ lệ đầu tư tối đa 20% giá trị danh mục vào một công ty, 10% vào các công ty chưa niêm yết và 30% vào nhóm các công ty có liên quan. Trong mọi trường hợp, TVGF3 sẽ không đầu tư quá 10% tỷ lệ sở hữu của một công ty và cũng không sử dụng vốn vay để đầu tư.

Soi danh mục của TVGF4, tại thời điểm cuối tháng 7, quỹ đang nắm giữ nhiều nhất theo giá trị đối với DXS (44,7 tỷ đồng), VRE (27,6 tỷ đồng), VPB (29,8 tỷ đồng),...

Danh mục cổ phiếu đầu tư cổ phiếu niêm yết của TVGF4 tại 31/7. (Nguồn: TVAM).

DXS, VRE và VPB cũng là các mã đang chiếm tỷ trọng lớn nhất tại danh mục của TVGF3, cùng với PVP và TCB.

Danh mục cổ phiếu đầu tư cổ phiếu niêm yết của TVGF3 tại 31/7. (Nguồn: TVAM).

Hai quỹ thuộc Dragon Capital duy trì hiệu suất cao hơn VN-Index

Các quỹ DCBC và DCDS cũng có mức tăng trưởng danh mục khả quan. DCDS đã có hiệu suất 11,04% và vượt trội so với mức tăng của VN-Index (9,2%). Tính trong 7 tháng đầu năm, giá trị tài sản ròng/ccq của DCDS đã tăng 27,3%, vượt so với mức tăng của VN-Index (21,4%).

Các cổ phiếu đã đóng góp vào tăng trưởng tốt cho quỹ DCDS trong tháng 7 phần lớn các cổ phiếu thuộc ngành công nghệ, bán lẻ và bất động sản, cụ thể là DGW (+30,9%), MWG (+25,2%), PDR (+29%) và DXG (+27,4%).

Tình hình đầu tư của DCDS. (Nguồn: Dragon Capital).

Hoạt động đầu tư của quỹ DCBC tăng 10,3% trong tháng 7. Tính trong 7 tháng đầu năm 2023, quỹ đã tăng 22,9%. Danh mục của quỹ được hưởng lợi từ kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận sau thuế (LNST) ghi nhận từ ngành chứng khoán, bất động sản.

Tình hình đầu tư của DCBC. (Nguồn: Dragon Capital).

Xu hướng tăng giải ngân, giảm tỷ trọng tiền mặt

Với tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm dần sẽ kích thích kinh tế phục hồi trong thời gian tới. Trong thời gian tới DCDS cho biết sẽ tiếp tục phân bổ danh mục vào cổ phiếu các ngành ngân hàng, bất động sản, vật liệu và bán lẻ,…

Bên cạnh đó, danh mục quỹ DCBC dựa vào kết quả kinh doanh quý II sẽ tiếp tục duy trì việc nắm giữ các công ty chứng khoán trong thời gian tới. Đồng thời, quỹ cũng chủ động đón đầu xu hướng tăng trưởng kỳ vọng của các ngành hàng hóa công nghiệp, đầu tư công và giảm tỷ trọng nắm giữ tiền mặt xuống mức 2,1%.

Tại TVGF3, tỷ lệ tiền và tương đương trên tổng tại sản thời điểm 31/7 là 10,8% xấp xỉ thời điểm cuối tháng 6. Đối với TVGF4, tỷ lệ này đạt 15,9% tại cuối tháng 7 và 14,12% tại cuối tháng 6.

Xuân Nghĩa