Vì sao Pyn Elite Fund chưa thể chiến thắng VN-Index?
Quỹ ngoại ghi nhận giá trị tài sản ròng (NAV) đạt 452,2 euro tại cuối tháng 7, tăng 5,2% so với tháng trước. Kết quả này được dẫn dắt bởi các mã VHM, VRE, ACV và MBB trong danh mục.
Quỹ cho biết hiệu suất tháng 7 có sự đóng góp đáng kể bởi VHM (tăng 14,55% trong tháng). Trong 6 tháng đầu năm, Vinhomes (Mã: VHM) báo cáo mức tăng lãi ròng 314% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi việc việc giao nhà đúng hạn nhờ lượng bán trước (presales) cao chưa từng có kể từ khi ra mắt vào quý II/2022. Thu nhập nửa đầu năm gấp 10 lần thu nhập của 10 nhà phát triển bất động sản niêm yết tiếp theo cộng lại.
3 quý vừa qua là khoảng thời gian khó khăn nhất trong hơn 10 năm qua đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường gần như đóng băng suốt quý IV/2022 đến quý I/2023 do lãi suất huy động tăng cao, trước khi thanh khoản bắt đầu phục hồi từ giữa quý II.
Tuy nhiên, doanh số bán trước trong 6 tháng đầu năm 2023 của Vinhomes đã vượt qua kỳ vọng của thị trường khi đạt 1,7 tỷ USD, hoàn thành một nửa mục tiêu bán trước năm 2023. Khoản đặt trước (bookings) chưa thanh toán vẫn ở mức cao 3,8 tỷ USD vào cuối quý II tạo cơ sở vững chắc cho thu nhập ổn định của công ty trong giai đoạn 2023 - 2025.
Quay lại với Pyn Elite Fund, hiệu suất đầu tư lũy kế 7 tháng đầu năm nâng lên mức 14,39%, kém hơn mức tăng của VN-Index là 21,43%. 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục vẫn là các cái tên quen thuộc gồm STB, VHM, CTG, VRE, TPB, ACV, MBB, HDB, VEA và chứng chỉ quỹ VN-Finlead, chiếm hơn 85% danh mục.
Theo nhận định của Pyn Elite Fund, sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3, lãi suất tiền gửi đã giảm 300 điểm cơ bản so với đầu năm, thúc đẩy dòng tiền lớn chảy vào thị trường chứng khoán từ tiền gửi ngân hàng. Thanh khoản giao dịch trung bình đạt 893 triệu USD/ngày, mức cao nhất kể từ ngày 22/4 và thậm chí đã đạt mức 1 tỷ USD trong tuần cuối tháng 7.
Tại chia sẻ trước đó, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund bày tỏ kỳ vọng rằng xu hướng của thị trường chứng khoán vẫn là đi lên, vì lãi suất của Việt Nam đã giảm đáng kể, và lãi suất giảm sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới.
Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 7 tiếp tục cho thấy những cải thiện đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI giải ngân và FDI đăng ký lần lượt tăng 3% và 86% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu giảm 3,5%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 15,2 tỷ USD, hỗ trợ dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái ổn định. Trong khi đó, lạm phát vẫn ở mức thấp 2,06%, tạo cơ hội cho các đợt giảm lãi suất tiếp theo. Trên thực tế, đã có những cuộc thảo luận về chính sách cắt giảm lãi suất hơn nữa trong những tháng tới.