|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hành động ra sao khi nhóm vốn hóa lớn quay lại dẫn dắt thị trường?

07:50 | 12/08/2023
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính để giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tuy nhiên tiềm năng của các nhóm cổ phiếu này hiện chưa rõ ràng. Trong giai đoạn sắp tới, cơ hội đầu tư có thể xuất hiện ở các nhịp điều chỉnh của thị trường.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đại diện bởi chỉ số VN-Index, đã liên tục bứt phá kể từ tháng 5 đến nay. Chỉ số thị trường thậm chí đã vượt mốc tâm lý 1.200 điểm vào cuối tháng 7 và vẫn tiếp tục tiến lên trong những phiên đầu tháng 8.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng dòng tiền có dấu hiệu chuyển dịch từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm vốn hóa lớn. Biểu hiện cho băn khoăn này là danh mục cổ phiếu của họ - vốn thường nắm giữ nhiều mã vốn hóa vừa nhỏ - không thực sự hưởng ứng đà tăng mạnh trong khoảng 1 - 2 tháng gần đây.

Người viết đã có trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng Phân tích Chiến lược của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) để làm rõ câu chuyện này.

Xu hướng dòng tiền luân chuyển qua nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

Theo ông Hiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường, nếu nhóm này không tăng trưởng thì thị trường rất khó có sự phục hồi. Trong suốt giai đoạn phục hồi của thị trường từ tháng 4/2023 cho đến nay, dòng vốn vẫn tập trung vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, có sự xoay tua giữa các nhóm chứ không phải tập trung hoàn toàn vào một nhóm cụ thể.

"Đây là chuyện thường xuyên diễn ra khi xu hướng tăng trưởng. Do đó, câu chuyện dòng vốn tập trung vào nhóm vốn hóa lớn trong 1 - 2 tháng này là điều dễ đoán trước.", ông Hiếu cho hay.

Mặt khác, nếu xét trên góc độ lợi nhuận thì nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa mới tạo ra lợi nhuận lớn nhất, theo đó VNMID-Index tăng 23% theo sau là VNSML-Index tăng 19% cuối cùng mới đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30-Index tăng 17%.

Diễn biến ba nhóm chỉ số. (Nguồn: Nhân vật cung cấp).

Tiềm năng cổ phiếu vốn hóa lớn chưa thực sự rõ ràng

Vị chuyên gia phân tích nhấn mạnh lại rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính để giúp thị trường tăng trưởng. Nếu nhóm này không tăng thì dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tăng trưởng cũng không thể tạo ra những giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên tiềm năng của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hiện chưa rõ ràng.

Ông Hiếu đưa ra ví dụ như cổ phiếu ngân hàng gặp vấn đề với câu chuyện tăng trưởng tín dụng và nợ xấu khi bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc của nền kinh tế. Với bất động sản là câu chuyện của thị trường bất động sản, vấn đề trái phiếu,… Vì thế, các nhóm cổ phiếu này có thể chững lại một thời gian để các thông tin trở nên rõ ràng trước khi có thể tăng trưởng tiếp.

Một số nhóm cổ phiếu có thể quan sát ở giai đoạn này là cổ phiếu đầu tư công, vật liệu xây dựng và chứng khoán. Với việc Chính phủ thực hiện đẩy mạnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế thì nhóm đầu tư công sẽ là nhóm được hưởng lợi đầu tiên, kéo theo đó là các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, thép,… cung cấp vật liệu cho các dự án này.

TTCK phục hồi kèm theo thanh khoản được cải thiện rõ nét sẽ giúp kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán được cải thiện đáng kể.

Cơ hội đầu tư xuất hiện ở những nhịp điều chỉnh

Đánh giá về TTCK giai đoạn hiện tại, ông Hiếu chỉ ra thị trường đã cho thấy nhiều tín hiệu về xu hướng phục hồi trong ngắn và trung hạn khi VN-Index vượt được ngưỡng 1.000 điểm 1.200 điểm. Đặc biệt, thanh khoản gia tăng hàm ý xác nhận cho xu hướng tăng hiện tại.

Các yếu tố cơ bản cũng được cải thiện đáng kể. Thứ nhất, nền kinh tế đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý I/2023. Tăng trưởng GDP trong quý I/2023 đạt 3,32% trong khi tăng trưởng GDP quý II/2023 là 4,14%. Điều này cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi", vị chuyên gia phân tích nhận xét.

Tăng trưởng GDP Việt Nam. (Nguồn: Nhân vật cung cấp).

Thứ hai, các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng cũng sẽ có tác động đến thị trường. Cuối cùng là sự phục hồi của dòng vốn FDI. Dòng vốn FDI đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2023. Điều này sẽ hỗ trợ khả năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Vì thế, xu hướng tăng của TTCK sẽ còn tiếp tục, kèm theo xu hướng này sẽ là sự cải thiện về thanh khoản thị trường.

Xu hướng tăng ngắn và trung hạn đã được xác nhận, tuy nhiên, thị trường có thể cần một giai đoạn tích lũy/điều chỉnh trước khi đi tiếp do định giá của thị trường hiện không còn hấp dẫn khi P/E forward đang ở mức 12x so với mức 8 - 10x vào đầu năm. Trong suốt giai đoạn tăng trưởng từ tháng 4 đến nay, thị trường chưa có bất kỳ một giai đoạn điều chỉnh rõ ràng nào điều này có thể làm giai đoạn tích lũy nhanh chóng xuất hiện.

Với khả năng này, nhà đầu tư có thể tận dụng giai đoạn điều chỉnh này để tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp để tìm kiếm lợi nhuận trong xu hướng phục hồi trung hạn", ông Hiếu chia sẻ.

Xuân Nghĩa