|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm vốn hóa lớn có thể trở lại dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm?

12:12 | 18/07/2023
Chia sẻ
Thống kê của VNDirect chỉ ra trong bối cảnh VN-Index hồi phục hơn 11% nửa đầu năm, dòng tiền ưa chuộng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giúp hai nhóm này có mức tăng vượt trội hơn thị trường chung. Trong khi nhóm vốn hóa lớn đánh mất vị thế dẫn dắt trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi.

Tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản. VN-Index kết thúc tháng 6 ở mốc 1.120,18 điểm, tương đương tăng 11,1% so với thời điểm đầu năm. Riêng trên HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt trên 15.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 40% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trở lại đây.

Tính từ đầu năm, VN-Index tăng 10,74% và nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023. Mức tăng trưởng vượt bậc so với các thị trường lân cận trong khối ASEAN.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản trung bình trên sàn HOSE đạt gần 11.434 tỷ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, thanh khoản đã có cải thiện đáng kể từ đầu quý II/2023. Từ cuối tháng 3/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu tăng.

Thống kê của VNDirect chỉ ra trong bối cảnh thị trường khởi sắc hơn trong nửa đầu năm, chỉ số VNSmallcap tăng vượt trội 26,9% do nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi, chỉ số VNSML vượt trội với mức tăng 26,9%.

Nhóm VNMidcap cũng vượt qua VN-Index với mức tăng 14,5% so với thời điểm đầu năm trong khi VN30-Index tăng 12,5%, đi sát với diễn biến VN-Index (tăng 11,2% so với đầu năm).

Nguồn: FiinPro, VNDirect Research.

Lý giải về đà tăng mạnh mẽ của nhóm midcap và penny, tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng điều này có thể giải thích bởi một số nguyên nhân.

Đầu tiên, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có xu hướng bật tăng trở lại mạnh mẽ hơn sau giai đoạn giảm sâu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trở lại trong hai tháng gần đây sau giai đoạn mua vào liên tục, trong khi nhóm nhà đầu tư này thường nắm giữ những cổ phiếu lớn trên thị trường.

Còn theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank, trong cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam, dễ thấy nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng rất lớn, đạt hơn 85% trong tổng giao dịch hằng ngày. So với các nước ASEAN đây là một tỷ lệ rất cao, trung bình các nước ASEAN, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chỉ ở mức 30 – 40%.

Đặc điểm của dòng tiền cá nhân thường lag theo đuổi trường phái phân tích kỹ thuật hay yếu tố tâm lý, các câu chuyện ngắn hạn. Điều này cũng lý giải nguyên nhân thời gian qua những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá tốt hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong khi đó thì dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức đặc biệt là dòng tiền từ tổ chức nước ngoài vẫn chưa quay trở lại một cách rõ ràng.

Chờ dòng tiền "thắp lửa" nhóm vốn hóa lớn

Từ những thống kê trên, có thể thấy vị thế của nhóm bluechip tương đối mờ nhạt trong 6 tháng đầu năm 2023. Câu hỏi đặt ra là nhóm vốn hóa lớn có thể trở lại dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm?

Bàn về vấn đề này, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho rằng chỉ khi Việt Nam bước vào trạng thái kinh tế phục hồi rõ ràng hơn và các vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam như thị trường vốn, trái phiếu, bất động sản được khắc phục thì dòng vốn đó mới quay lại rõ ràng hơn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

“Càng về cuối năm, khi các triển vọng về phục hồi kinh tế trở thành hiện thực, những công ty lớn chứng tỏ được nội lực trong việc đi qua cơn bão và duy trì tăng trưởng lợi nhuận, phục hồi tốt hơn thì chúng tôi cho rằng lúc đó dòng tiền sẽ dần quay trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia BSC, trong số các ngành ở Việt Nam thì quy mô của ngành ngân hàng so với VN-Index là chiếm tỷ trọng lớn nhất và ảnh hưởng nhiều nhất. Suốt khoảng thời gian vừa qua, những rủi ro của nhóm ngân hàng gia tăng do lãi suất gia tăng rất mạnh vào cuối năm cùng với rủi ro về trái phiếu. Những kỳ vọng đó cũng đã phản ánh vào giá của nhóm ngân hàng trên thị trường cổ phiếu.

Chuyển sang giai đoạn hiện nay, từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư sẽ nhận ra rằng rất nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng khá tốt về mặt mô hình kinh doanh. Đồng thời những rủi ro như nợ xấu hay các vấn đề liên quan đến trái phiếu vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Mặt khác, mức định giá của nhóm ngân hàng cũng về ở mức khá hợp lý cho việc đầu tư dài hạn. Do đó, chuyên gia cho rằng cơ hội chung đối với các nhóm cổ phiếu lớn vẫn có, đặc biệt là từ nửa sau của năm 2023.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của nước ta được dự báo tích cực hơn trong nửa cuối năm. Thị trường vẫn đang chờ đợi câu trả lời của dòng tiền về nhóm vốn hóa lớn. Nếu nhóm này có thể lấy lại vị thế dẫn dắt thị trường, điều này mở ra cơ hội để thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thảo

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.