|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu DBC tăng mạnh nhờ giá heo lên, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn đang 'gồng lỗ'

07:11 | 18/07/2023
Chia sẻ
Trong quý II, chỉ số VN-Index hồi phục giúp VDSC hoàn nhập hơn 91,4 tỷ đồng từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục đầu tư đã trích lập trước đó, trong khi cùng kỳ năm 2022 công ty phải trích lập chi phí này hơn 209 tỷ đồng.

(Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC).

Theo báo cáo tài chính riêng quý II mới công bố, tổng doanh thu hoạt động của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) đạt 188 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh lên 48,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 20 tỷ đồng.

Doanh thu các hoạt động chính còn lại đều ghi nhận giảm như lãi từ các khoản cho vay và phải thu 73,4 tỷ đồng, giảm 21,7%; doanh thu môi giới chứng khoán 59,2 tỷ đồng, giảm 6,3%.

Ngược chiều doanh thu hoạt động, chi phí hoạt động quý II giảm mạnh 92,6% xuống còn 28,3 tỷ đồng, VDSC cho biết chủ yếu do chỉ số VN-Index hồi phục giúp công ty hoàn nhập được hơn 91,4 tỷ đồng từ chi phí đánh giá giảm giá trị danh mục đầu tư đã trích lập trước đó, trong khi cùng kỳ năm 2022 công ty phải trích lập chi phí này hơn 209 tỷ đồng.

Kết quả là, Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II hơn 105,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 233,8 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, VDSC lãi sau thuế 161,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ 128,7 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả hoạt động trên, VDSC cho biết kết thúc quý II, VN-Index đóng cửa ở  1.120,8 điểm, tăng 11,23% so với cuối năm 2022; giá trị thanh khoản bình quân phiên trong quý đạt 16.012 tỷ đồng/phiên, giảm 21,9% so với cùng kỳ. Tuy vậy, sự hồi phục về điểm số của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của VDSC là 4.469 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin của công ty là 2.013 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm nhưng tăng nhẹ 7,6% so với cuối quý I. 

Dư nợ cho vay margin của Chứng khoán Rồng Việt. (Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC).

Về hoạt động tự doanh, VDSC lãi bán các tài sản tài chính FVTPL 3,4 tỷ đồng trong quý II, lỗ bán các tài sản tài chính 23,2 tỷ đồng, như vậy công ty lỗ ròng từ mảng này gần 19,9 tỷ đồng, năm ngoái công ty cũng lỗ 21,9 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, danh mục FVTPL của công ty đạt giá trị 1.227 tỷ đồng, giảm 11,3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu 650 tỷ đồng và trái phiếu 577,1 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý II, danh mục cổ phiếu của VDSC mở rộng khi công ty mua thêm cổ phiếu KDC với tổng số tiền đầu tư 50,6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng giảm mạnh tỷ trọng đối với các cổ phiếu TCB, QNS và ACB. Ngược lại, tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu CTG.

Chi tiết về các khoản đầu tư, thời điểm cuối quý II, VDSC tiếp tục nắm giữ nhiều nhất cổ phiếu DBC với giá trị 213 tỷ đồng (tạm lỗ 19%, tương đương 40,9 tỷ đồng). Theo sau là 81,1 tỷ đồng cổ phiếu ACB; 75 tỷ đồng QNS (lãi 21,3%, tương đương 16 tỷ đồng); 69 tỷ đồng CTG (lỗ 9,1%, tương đương 6,3 tỷ đồng);…

Về danh mục trái phiếu, công ty đang nắm giữ 232,2 tỷ đồng trái phiếu VCBH2128004 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB).

Danh mục FVTPL của Chứng khoán Rồng Việt thời điểm cuối quý II/2023. (Nguồn: BCTC).

Diệu Nhi