BVSC: Thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, xuất hiện cơ hội đầu tư ở nhóm vốn hóa lớn
VN-Index tăng điểm trong tháng 7 kèm sự cải thiện tích cực của thanh khoản thị trường
Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8, BVSC cho biết ngân hàng trên thế giới đang đi vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất và được kỳ vọng sẽ sớm hướng đến giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong thời gian tới. Điều này không những giúp giảm thiểu rủi ro về mặt xu hướng dài hạn cho thị trường tài chính mà còn hỗ trợ xu hướng tăng ngắn hạn của TTCK.
Trong tháng 7, hầu hết các TTCK đều có diễn biến tăng điểm, trong đó VN-Index ghi nhận mức tăng ấn tượng 9,17% so với tháng trước đó. Chỉ số đại diện thị trường tăng điểm kèm theo sự cải thiện tích cực thanh khoản. Nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng “độ ngấm” của các chính sách hỗ trợ dày đặc của Chính phủ trong thời gian vừa qua được xem là yếu tố nền tảng giúp cải thiện dòng tiền vào thị trường và hỗ trợ đà đi lên của thị trường trong tháng 7.
Tháng 7 cũng là giai đoạn các doanh nghiệp lần lượt công bố báo cáo tài chính quý II. Theo BVSC, kết quả kinh doanh quý II có sự phân hóa rõ rệt, nhiều nhóm ngành vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế suy giảm hai quý liên tiếp.
Đối với ngành bất động sản, mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II phần lớn đến từ sự đóng góp của Vinhomes (Mã: VHM) và Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC). Nếu không tính đến hai doanh nghiệp này, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản có thể giảm đến 42% so với cùng kỳ. Tuy vậy, kỳ vọng về thanh khoản thị trường bất động sản khôi phục trong năm 2024 nhờ vào sự hỗ trợ của các chính sách là lý do khiến cho dòng tiền vào nhóm ngành này gia tăng trong tháng 7.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành có dấu hiệu đã tạo đáy kết quả kinh doanh trong quý II, và dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm như bán lẻ, tài nguyên cơ bản, ngân hàng. Trong nửa cuối năm nay, các nhóm này nhiều khả năng sẽ cho thấy sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận, trở thành cơ hội đầu tư tốt.
Thanh khoản tăng trên sàn HOSE, đạt trung bình 18.361 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 7, cao nhất kể từ tháng 5/2022. Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy số lượng tài khoản mở mới trong tháng 6 tăng lên 146.060, cao nhất kể từ tháng 9/2022. Giá trị cho vay ký quỹ (margin) trong quý II cũng ghi nhận mức tăng gần 20% so với quý I.
Margin tăng lên nhưng tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu đang ở mức khoảng 68%, ngang với giai đoạn 2018 - 2019, và thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 129% trong cuối năm 2021 - đầu năm 2022.
Dòng tiền nhà đầu tư trong nước đã tham gia mạnh trở lại kể từ đầu năm 2023. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm nhưng ở những ngưỡng điểm quan trọng, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng qua đó hỗ trợ về dòng tiền và tâm lý giúp giữ vững xu thế tăng của thị trường.
Tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh ngắn hạn
Tính đến hết tháng 7, VN-Index đạt 1.222,9 điểm, tăng mạnh 21,43% kể từ đầu năm. Định giá của thị trường đã tăng lên đáng kể so với vùng đáy 11/2022, P/E của nhóm ngành phi tài chính, sau khi loại bỏ bất động sản cũng đã lên mức đỉnh nhiều năm, có thể tạo ra một số áp lực điều chỉnh.
Thông tin kết quả kinh doanh đã được thị trường hấp thụ. Báo cáo soát xét của kiểm toán có thể khiến nhiều cổ phiếu ra khỏi danh sách được cho vay ký quỹ.
Bên cạnh đó, BVSC cho rằng biến động đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố cần theo dõi, bởi diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VND và từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.
VN-Index hướng đến vùng 1.300 - 1.350 điểm
Lợi suất trái phiếu Chính phủ bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 3/2022 là một trong các yếu tố chính gây áp lực giảm cho VN-Index. Hiện tại, mặt bằng lợi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm từ đỉnh tháng 12/2022 đang là yếu tố hỗ trợ cho TTCK.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi khu vực dân cư trong giai đoạn lãi suất cao 10/2022 - 3/2023 đạt trung bình 1,82% (theo tháng), cao hơn đáng kể so với mức trung bình 0,69% trong 9 tháng đầu năm 2022. Lượng tiền gửi tăng đột biến do lãi suất huy động cao là khoảng 400.000 tỷ đồng (thông thường có kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng). Với mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm từ mức đỉnh, TTCK có cơ hội thu hút được một phần khoản tiền gửi đáo hạn đi tìm cơ hội đầu tư.
Dù trong ngắn hạn, VN-Index đang đối điện khả năng điều chỉnh, nhưng BVSC cho rằng kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa sau 2023 và 2024 sẽ giúp đưa định giá trở lại mức hấp dẫn hơn. Về trung hạn, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300 - 1.350 điểm.
Triển vọng đầu tư tại nhóm bất động sản, ngân hàng và bán lẻ
Ở khía cạnh ý tưởng đầu tư, nhóm phân tích cho biết trong nửa đầu năm, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ghi nhận đà tăng vượt trội so với mức trung bình của thị trường nhờ vào sự kỳ vọng của các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên định giá của nhóm này hiện tại đã ở mức quá cao, hạn chế tiềm năng tăng giá.
Với bối cảnh vĩ mô và môi trường kinh doanh tích cực hơn, nhóm vốn hóa lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong hai quý cuối năm và đặc biệt có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút được dòng tiền.
Trong số đó, nhóm ngân hàng với mức định giá vẫn đang ở quanh mức thấp của P/B từ năm 2016 tạo ra cơ hội tích lũy ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia khuyến nghị các ngân hàng có kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm như STB, ACB, VCB, MBB.
Nhìn chung nhóm ngân hàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ như: Fed đang tiến tới giai đoạn cuối tăng lãi suất và có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất năm tới; Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất và đã thực hiện 4 lần hạ lãi suất, cùng với đó đã cấp room cả năm 2023 cho các ngân hàng; kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như chất lượng tài sản sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm cũng như năm 2024; định giá hấp dẫn.
Nhóm bất động sản cũng được khuyến nghị quan tâm nhờ hưởng lợi lớn từ chính sách tiền tệ nới lỏng hay sự phát triển mạnh mẽ dự án hạ tầng trong tương lai. Bên cạnh đó, định giá một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa.
Nhóm thứ ba được đề cập tại báo cáo triển vọng tháng 8 là bán lẻ. Lĩnh vực này dự báo được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Chính phủ; kỳ vọng thu nhập cá nhân, tiêu dùng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước sẽ dần hồi phục trong các quý tới.
Ngoài ra, bán lẻ còn có các yếu tố hỗ trợ khác, bao gồm: Mùa cao điểm trong nửa cuối năm (mùa tựu trường, mùa ra mắt các sản phẩm mới trước tết và câu chuyện tiến triển tích cực của Bách Hóa Xanh (hòa vốn và bán vốn) hay Long Châu (duy trì lợi nhuận bền vững).