|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Vietcap giảm gần một nửa doanh thu môi giới khi để mất phần lớn thị phần

19:40 | 22/01/2024
Chia sẻ
Tổng doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của Chứng khoán Vietcap đạt hơn 535 tỷ đồng năm 2023, giảm 47,1% so với năm 2022.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của CTCP Chứng khoán Vietcap (: VCI), dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại cuối năm khoảng 7.610 tỷ đồng, cao hơn 34%, tương ứng với hơn 1.900 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III.

Con số dư nợ margin hiện tại cũng là cao nhất kể từ thời điểm 31/3/2022 (7.782 tỷ đồng), tức trong vòng 7 quý gần đây. Đây đồng thời là quý tăng trưởng dư nợ margin thứ 4 liên tiếp.

 

Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV ghi nhận lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 187 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23% cơ cấu doanh thu.

Quý IV, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 430 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng lớn nhất doanh thu. Trong khi đó ở chiều ngược lại, doanh thu nghiệp vụ môi giới và lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm khiến tổng doanh thu không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ quý IV/2022.

Chi phí hoạt động quý IV ghi nhận 419 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ, chủ yếu từ giảm lỗ các tài sản tài chính FVTPL. Từ đó, Vietcap báo lãi sau thuế quý IV đạt 123 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. So với quý III liên trước (lãi 179 tỷ đồng), con số này thấp hơn 31%.

Tính chung cả năm, doanh thu hoạt động khoảng 2.472 tỷ đồng, giảm 22% so với 2022. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản FVTPL chiếm 943 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu 689 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ môi giới 535 tỷ đồng.

Lãi trước thuế và lãi sau thuế năm 2023 ghi nhận lần lượt 570 tỷ đồng và 492 tỷ đồng, giảm 46% và 43% so với cùng kỳ. Công ty đã thực hiện 57% so với kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng đề ra.

Vietcap chiếm 4,47% thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết trên HOSE năm 2023, giữ vị trí thứ 8 trong ngành, tụt 1 hạng so với vị trí thứ 7 năm 2022.

 

Danh mục tự doanh tại 31/12/ bao gồm 122 tỷ đồng FVTPL, 381 tỷ đồng HTM, 6.604 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Giá trị FVTPL giảm 2%, HTM đi ngang còn AFS cao hơn 44% so với giá gốc.

So với thời điểm cuối quý III, FVTPL đã thu hẹp đến 89%, tức giảm hơn 1.000 tỷ đồng; HTM giảm 40%, AFS giảm 1%. Một số cổ phiếu niêm yết trong danh mục nắm giữ kể đến như VPB, CTG, KDH, PNJ, IDP, MSN, MBB, STB. Mặt khác, khoản đầu tư cổ phiếu HPG và VNM với giá gốc thời điểm cuối quý III lần lượt 28 tỷ đồng và 26 tỷ đồng không còn được thuyết minh.

  Thuyết minh danh mục tự doanh cuối năm 2023. Nguồn: BCTC quý IV. 

Xuân Nghĩa