|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán phái sinh làm được gì trong năm 2017?

07:00 | 28/12/2017
Chia sẻ
Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động gần 5 tháng nhưng chứng khoán phái sinh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017.
 
chung khoan phai sinh lam duoc gi trong nam 2017 Thị trường chứng khoán phái sinh tháng 11: Giá trị giao dịch đạt gần 1.300 tỷ đồng/phiên
chung khoan phai sinh lam duoc gi trong nam 2017 Thị trường hưng phấn, hợp đồng tương lai VN30F1806 vượt ngưỡng 1.000 điểm

Hơn 81 nghìn tỷ đồng giao dịch trên thị trường phái sinh tính đến ngày 15/12

Chính thức đi vào hoạt động giữa tháng 8, thị trường chứng khoán phái sinh ghi nhận mức tăng trưởng giá trị giao dịch khá ấn tượng với khoảng 20 - 30% mỗi tháng. Tính đến ngày 15/12/2017, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 946.326 hợp đồng, tổng giá trị tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng.

Bình quân khối lượng giao dịch đạt 10.399 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt gần 900 tỷ đồng/phiên, tương ứng gấp 21 và 24 lần so với phiên giao dịch đầu tiên. Khối lượng OI của toàn thị trường cũng đạt 6.796 hợp đồng, gấp 34 lần so với phiên giao dịch đầu tiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh hiện có 7 Công ty chứng khoán thành viên và 14.034 tài khoản giao dịch phái sinh của nhà đầu tư được mở tính tới hết ngày 15/12.

chung khoan phai sinh lam duoc gi trong nam 2017

Qua những số liệu trên cho thấy thị trường chứng khoán phái sinh đã được đưa vào vận hành một cách tương đối an toàn, ổn định và nhu cầu giao dịch phái sinh rất lớn.

Bên cạnh đó, việc đưa phái sinh vào vận hành đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho các công ty chứng khoán. Cụ thể, nhờ giá trị giao dịch phái sinh tăng kéo theo giao dịch ký quỹ (margin) tăng, nên thu nhập từ hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán cũng sẽ tăng lên, bên cạnh doanh thu môi giới.

Những điểm chưa đạt

Tuy đạt được những kết quả khả quan ban đầu nhưng hoạt động giao dịch phái sinh vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện. Hầu như giao dịch vẫn đang tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 97,7% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước còn rất khiêm tốn, ngoài ra “sân chơi” phái sinh còn vắng bóng những nhà đầu tư ngoại.

Nguyên nhân do quy trình nghiệp vụ giữa thành viên bù trừ với Ngân hàng giám sát, lưu ký chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, đối với khối ngân hàng thương mại cũng chưa có nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro do danh mục cổ phiếu hiện tại là không đáng kể. Trong khi đó, vì một số vướng mắc nên đến nay chưa có ngân hàng thương mại nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia thị trường phái sinh.

Ông Michel Tosto, Giám đốc điều hành khối Khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từng chia sẻ với Bloomberg rằng, các nhà đầu tư tổ chức cũng rất quan tâm đến thị trường phái sinh, nhưng họ cần dành thời gian quan sát thị trường trước khi tham gia bởi vì khi một sản phẩm mới đưa vào vận hành có thể xảy ra nhiều sai sót và thanh khoản có thể rất thấp.

Mặt khác, mục đích chính của sản phẩm phái sinh là phòng vệ nhưng hiện nay hầu như nhà đầu tư đang tỏ ra khá thích thú khi lướt sóng phái sinh giống như lướt cổ phiếu (đầu cơ). Có thể là do sản phẩm phái sinh mang lại tỷ suất sinh lợi cao nhờ lợi thế đòn bẩy. Nhà đầu tư không phải trả lãi vay như margin. Đây là một điểm trừ khi tham gia thị trường phái sinh.

Ngoài ra, việc áp dụng thu phí của một số công ty chứng khoán bắt đầu từ 13/11 đã khiến cho lượng giao dịch trên thị trường phái sinh có dấu hiệu sụt giảm.

Kỳ vọng gì năm 2018?

Tại thời điểm 26/12, có 4 mã hợp đồng tương lai được giao dịch là VN30F1801, VN30F1802, VN30F1803 và VN30F1806. Tất cả đang trong sắc xanh, cao hơn 15 - 50 điểm so với VN30 cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường cơ sở và phái sinh rất lớn trong năm 2018.

Theo VCBS dự báo, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 20% so với con số trung bình cuối năm 2017 với giá trị giao dịch kỳ vọng tăng khoảng 25%. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại thuận lợi cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Mặt khác, để được thăng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cần tích cực thu hút dòng vốn ngoại. Theo đó, thị trường phái sinh được xem là một nhân tố góp phần nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, với việc ban hành điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm phái sinh trái phiếu vào hoạt động và phát triển các sản phẩm phái sinh mới của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong thời gian tới, sẽ đem lại sự đa dạng về sản phẩm và cơ hội kiếm tiền cho nhiều nhà đầu tư khi tham gia thị trường phái sinh.

Đặc biệt, năm 2018 UBCKNN dự kiến đưa thêm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) vào danh mục sản phẩm phái sinh, một loại chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành.

Khác với hợp đồng tương lai, Chứng quyền có bảo đảm sẽ có nhiều hình thức giao dịch tương ứng với khả năng sinh lời và thời điểm thực hiện quyền. Sản phẩm này hứa hẹn sẽ tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán phái sinh trong tương lai.

Minh Anh