Chứng khoán Mỹ phục hồi khi cổ phiếu bán dẫn thăng hoa
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 14/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 26 điểm, tương đương 0,07% và đóng cửa ở mức 36.308 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,58%, chốt phiên với 4.490 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi lên 1,05%, đạt 13.788 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu Nvidia đã tăng tới 7,1%. Cổ phiếu của gã khổng lồ bán dẫn đi lên sau khi Morgan Stanley nhấn mạnh rằng Nvidia là “lựa chọn hàng đầu” ngay trước thời điểm công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II.
Morgan Stanley chứng minh cho nhận xét của mình bằng cách dẫn chứng mức chi tiêu của các doanh nghiệp cho AI. Ngân hàng nhấn mạnh rằng sự mất cân bằng cung-cầu các sản phẩm bán dẫn phục vụ cho AI có thể sẽ tiếp tục trong vài quý tới.
Các cổ phiếu chip bán dẫn khác cũng tăng vọt. VanEck Semiconductor ETF đã đi lên 3% trong phiên, tuy nhiên nếu xét cả tháng 8, ETF này vẫn đang giảm hơn 6%.
Trong tuần này, thị trường cũng sẽ chú ý đến các thông tin về tình trạng của người tiêu dùng Mỹ thông qua báo cáo kết quả kinh doanh từ Home Depot, Target và Walmart. Dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 7 cũng sẽ được công bố vào sáng ngày 15/8 (giờ địa phương).
Tuần trước, báo cáo về lạm phát cho thấy tốc độ tăng giá cả đã giảm so với mức đỉnh, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo ông Brent Schutte, Giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management, áp lực về tiền lương sẽ là “trở ngại cuối cùng” đối với Fed bởi các dữ liệu gần đây báo hiệu những tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát.
“Cho đến khi tăng trưởng lương hàng năm liên tục duy trì dưới 3%, chúng tôi tin rằng Fed có thể sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ của mình để rút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế với mục tiêu làm tăng trưởng chậm lại và giảm áp lực tiền lương”, ông nói.
Ông Schutte tiết lộ thêm rằng mặc dù xác suất cho một cuộc “hạ cánh mềm” đã được cải thiện đáng kể, Northwestern Mutual Wealth Management vẫn “hoài nghi” việc Fed có thể tuyên bố “chiến thắng trước lạm phát” mà không làm suy yếu đà tăng của tiền lương.
Theo một cuộc khảo sát của Fed chi nhánh New York, người tiêu dùng đang ngày càng tin tưởng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn và dài hạn.
Cuộc khảo sát tháng 7 cho thấy người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát một năm tới sẽ ở mức 3,5%, giảm so với con số 3,8% của tháng 6. Triển vọng trong 3 và 5 năm tới cũng hạ xuống lần lượt 3% và 2,9%.
Các hộ gia đình kỳ vọng chi tiêu tăng 5,4% trong một năm tới, cao hơn so với dự báo 5,2% hồi tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình dài hạn là 6,1%.