|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một cơn bão nợ đang hình thành ở Mỹ, có ít nhất 6 dấu hiệu cảnh báo

12:23 | 14/08/2023
Chia sẻ
Lãi suất thấp từng khuyến khích người dân và chính phủ Mỹ vay nợ kỷ lục. Giờ đây, khi lãi suất tăng cao và liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra, một cơn bão nợ đang hình thành ở nền kinh tế số một thế giới.

Theo nhận định của tờ Markets Insider, một cơn bão nợ đang hình thành ở Mỹ và rắc rối đã bắt đầu lộ rõ hơn khi giá trị các khoản vay ngày càng tăng cao trong khi niềm tin của người đi vay giảm sút.

Nhìn rộng hơn, việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ và Moody’s Investors Service hạ xếp hạng của 10 nhà băng vào đầu tháng 8 đang chỉ ra những vấn đề đáng ngại.

Thứ nhất là vấn đề đối với tình hình tín dụng của nước Mỹ, trong bối cảnh bất đồng giữa các nhà lập pháp cản trở khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ của Washington.

Thứ hai là rắc rối liên quan đến nợ từ lĩnh vực ngân hàng. Hệ thống nhà băng Mỹ đang phải đối mặt với áp lực cơ cấu trong bối cảnh các điều kiện tín dụng bị thắt chặt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Một đám mây bão lơ lửng trên Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Nhìn chung, cả khu vực tư nhân và khu vực công tại Mỹ đều đang đối mặt với một môi trường khác hẳn so với trong thập kỷ trước, thời điểm mà lãi suất được duy trì ở mức thấp kỷ lục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nếu lãi suất thấp thúc đẩy hành vi vay nợ, thì lãi suất tăng cao có thể đảo ngược quá trình đó và gây ra những thiệt hại tiềm tàng, theo Markets Insider.

Rủi ro đã thể hiện rõ vào đầu năm nay, khi Silicon Valley Bank cùng loạt ngân hàng khác như Signature Bank và First Republic Bank sụp đổ.

Hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng không lan rộng, nhưng điều đó không ngăn được các chuyên gia thị trường và nhà đầu tư nổi tiếng gióng lên hồi chuông cảnh báo về khối nợ của Mỹ.

Huyền thoại quỹ phòng hộ Ray Dalio và nhà kinh tế hàng đầu Nouriel Roubini là hai trong số những người đã cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng nợ quy mô lớn có thể sắp xảy ra.

Dưới đây là 6 biểu đồ cho thấy những dấu hiệu cảnh báo đang loé lên trên thị trường nợ của Mỹ:

Nợ tư nhân tăng với tốc độ đáng kinh ngạc

Khối nợ của khu vực tư nhân đang tăng nhanh và vừa đạt kỷ lục mới trong năm nay. Theo dữ liệu của Fed, nợ thẻ tín dụng tại Mỹ đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

 

Theo TransUnion, các khoản vay tín chấp cá nhân cũng ghi nhận kỷ lục mới, đạt mức chưa từng có là 225 tỷ USD trong năm 2023. Tương tự, nợ doanh nghiệp cũng tăng 6,2% vào năm ngoái, đạt 7.800 tỷ USD, theo Janus Henderson.

Bức tranh nợ công thậm chí còn tồi tệ hơn. Bank of America cho biết, lần đầu tiên trong năm nay, khối nợ của chính phủ Mỹ đã vượt quá mốc 32.000 tỷ USD. Khối nợ này có khả năng tăng thêm 5 tỷ USD mỗi ngày trong 10 năm tới.

 

Số vụ vỡ nợ doanh nghiệp trên đà đi lên

Doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu oằn mình trước gánh nặng nợ nần khi lãi suất tăng lên. Số vụ vỡ nợ trong năm nay đã vượt qua tổng số của năm ngoái, Markets Insider nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, 55 công ty Mỹ đã vỡ nợ - tăng 53% so với con số 36 vào năm 2022, dữ liệu của Moody’s chỉ ra.

 

Các chiến lược gia của Bank of America cảnh báo nếu Mỹ rơi vào suy thoái toàn diện, doanh nghiệp Mỹ có thể mất khả năng thanh toán khối nợ lên đến 1.000 tỷ USD. Dù vậy, ngân hàng này không còn thấy nguy cơ suy thoái trong năm 2023.

Ngày càng nhiều người chậm thanh toán nợ

Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng chậm trễ trong việc thanh toán các khoản vay của mình.

Chẳng hạn, tỷ lệ chủ sở hữu bất động sản thương mại chậm thanh toán từ 30 ngày trở lên hoặc đã vỡ nợ với các khoản vay thế chấp đã tăng lên mức 3% trong quý I năm nay, theo Mortgage Bankers Association.

 

Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn đối với tất cả các khoản vay cá nhân đã tăng từ mức 1,7% trong quý I/2021 lên 2,23% trong quý I/2023.

 

Ngân hàng muốn bán đi các khoản nợ rủi ro

Theo Markets Insider, nhiều ngân hàng đã cố gắng bán đi những khoản vay có rủi ro vỡ nợ cao, ngay cả khi họ phải chấp nhận cho chúng ra đi với giá chiết khấu.

JPMorgan, Goldman Sachs và Capital One là những ông lớn phố Wall đang nỗ lực loại bỏ những khoản vay bất động sản thương mại lớn, Bloomberg đưa tin hồi đầu tuần trước.

Nhiều nhà băng cũng đang thu hẹp quy mô cho vay khi các điều kiện tài chính thắt chặt lại. Động thái này đã đẩy lĩnh vực bất động sản thương mại vào tình cảnh khó khăn hơn nữa.

Trong những năm tới, ngành bất động sản thương mại có khoảng 1.500 tỷ USD nợ sẽ đáo hạn và cần được tái cấp vốn.

 

Chủ sở hữu bất động sản có thể gặp rắc rối khi họ đi vay để tái cấp vốn trong bối cảnh lãi suất tăng cao và giá trị bất động sản đi xuống. Theo một số nhà đầu tư kỳ cựu, một làn sóng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản thương mại có thể xảy ra.

Đầu năm nay, Morgan Stanley lưu ý rằng tình trạng thắt chặt tín dụng (credit crunch) đã xuất hiện, bởi sau cuộc khủng hoảng của Silicon Valley Bank, hoạt động cho vay của các ngân hàng đã giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.