|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao chính phủ Mỹ không in thêm tiền để chi tiêu mà lại để mắc cả núi nợ?

16:58 | 30/05/2023
Chia sẻ
Một số người đề xuất chính phủ Mỹ nên in thêm tiền để trả nợ và chi tiêu cho thoải mái. Tuy nhiên, tại sao Mỹ chưa bao giờ viện đến giải pháp này?

Sau nhiều tháng bế tắc, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cuối cùng đã đạt được một thoả thuận để đình chỉ trần nợ công đến tháng 1/2025. Giờ đây, hai ông sẽ phải thuyết phục các nhà lập pháp ở lưỡng viện thông qua dự luật. (Ảnh minh hoạ: MarketWatch/Getty Images, iStock).

Một đề xuất mới lạ

Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ công 31.400 tỷ USD vào giữa tháng 1 năm nay. Bộ Tài chính đã buộc phải sử dụng một số thủ thuật kế toán đặc biệt để thanh toán các hoá đơn của chính phủ.

Bà Janet Yellen, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, cảnh báo các biện pháp trên có thể sẽ mất hiệu lực ngay từ ngày 1/6, đồng nghĩa rằng chính phủ sẽ cạn sạch tiền mặt và lâm vào tình cảnh vỡ nợ.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh “không có phương án hợp lý nào” để giải quyết bế tắc trần nợ ở Washington ngoài việc Quốc hội nâng hoặc đình chỉ giới hạn đi vay. Bà cũng cũng báo về một “thảm hoạ kinh tế và tài chính” nếu Mỹ vỡ nợ.

Các chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng quan ngại. Họ cho rằng việc chính phủ vỡ nợ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái tồi tệ.

Moody’s Analytics dự đoán vụ vỡ nợ sẽ xoá sổ hơn 7 triệu việc làm và kéo tỷ lệ thất nghiệp lên trên 8%. Hãng xếp hạng tín dụng này cũng dự đoán thị trường thị trường chứng khoán Mỹ có thể bị thổi bay 20% giá trị.

 

Một tuần trước thời điểm sớm nhất mà Mỹ có thể vỡ nợ, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được một thoả thuận đình chỉ trần nợ, đi kèm với yêu cầu cắt giảm đáng kể chi tiêu liên bang trong nhiều năm tới.

Hai nhà lãnh đạo đang gấp rút dàn xếp để lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật. Tuy nhiên, dự luật đang vấp phải sự phản đối của một số nhà lập pháp, quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài và tình cảnh của Mỹ dễ bấp bênh hơn.

Trên các nền tảng mạng xã hội, một số người nghĩ rằng họ có giải pháp cho bế tắc trần nợ này. Nếu chính phủ không có đủ tiền và chính phủ cũng chịu trách nhiệm kiếm tiền, tại sao họ không in nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề nợ nần cũng như để chi tiêu thoải mái hơn?

Tuy nhiên, có một vài nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ không thể tuỳ ý in tiền như đề xuất nêu trên. Nếu chính phủ lựa chọn giải pháp đó, hậu quả cho nền kinh tế Mỹ và hệ thống tài chính toàn cầu có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Tại sao chính phủ không thể in thêm tiền?

Đầu tiên, chính phủ Mỹ không thể in thêm tiền để trả nợ và chi tiêu vì họ không chịu trách nhiệm về việc này.

Chính phủ không in tiền, mà đây là một trong những công việc của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương Mỹ. Fed là cơ quan độc lập với chính phủ, dù đôi khi hai bên có thể phối hợp với nhau để ổn định nền kinh tế, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19.

Các ngân hàng trung ương thường chỉ quan tâm đến sức khoẻ tổng thể của nền kinh tế thay vì những trọng tâm khác của chính phủ như quốc phòng, giáo dục hoặc chăm sóc sức khoẻ người dân.

Fed không nhất thiết phải in thêm tiền để giúp chính phủ trả nợ. Hồi tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nhấn mạnh việc giải quyết mâu thuẫn về trần nợ là trách nhiệm của Quốc hội và chính quyền ông Biden.

 

Thứ hai, như nhiều người đã biết, Fed sẽ điều tiết nguồn cung tiền trong hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mà không kích thích áp lực lạm phát bùng lên.

Trừ khi có sự gia tăng trong hoạt động kinh tế tương xứng với lượng tiền được tạo ra, việc Fed in thêm tiền để giúp chính phủ trả nợ sẽ khiến vấn đề lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Ông Alan Cole, nhà phân tích chính sách kinh tế cấp cao tại viện The Conference Board, nhấn mạnh: “Tóm lại, câu trả lời [quan trọng nhất đằng sau việc Fed không in thêm tiền để chính phủ trả nợ] là lạm phát”.

Giả sử, Fed tăng cung tiền thêm 32.000 tỷ USD để giúp chính phủ thì tức là họ chỉ bơm thêm 32.000 tỷ USD vào nền kinh tế. Khoản tiền này không tạo ra lượng hàng hoá trị giá 32.000 tỷ USD.

Khi người dân có quá nhiều tiền để mua cùng một lượng hàng hoá, giá cả sẽ tăng đột biến và dẫn đến việc lạm phát bật tăng. Fed chi nhánh New York từng tóm gọn tình trạng lạm phát này là “quá nhiều tiền theo đuổi quá ít hàng hoá”.

Gần đây, Mỹ đã từng trải qua tình trạng nói trên. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào đầu năm 2020, chính phủ đã bơm gần 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế.

Trong phần lớn năm 2020, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều nằm dưới mức mục tiêu 2% của Fed. Ba năm sau, tuy đã hạ nhiệt so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, lạm phát vẫn ở mức 4,9% vào tháng 4/2023.

Đà đi lên của lạm phát trong ba năm qua đã khiến cuộc sống của người dân Mỹ trở nên khó khăn. Nếu vậy, khi cung tiền tăng thêm 32.000 tỷ USD thì thiệt hại càng khủng khiếp hơn.

 

Khi đó, nền kinh tế có thể sẽ không bị đè nặng bởi việc lạm phát tăng cao nữa, mà có nguy cơ phải trải qua cú sốc “siêu lạm phát” - hyperinflation.

Ông Sean Snaith, Giám đốc Viện Dự báo Kinh tế thuộc Đại học Central Florida, cảnh báo kịch bản đó sẽ “làm đình trệ nền kinh tế” và giết chết giá trị của tiền giấy.

Vị chuyên gia cho biết “giá cả sẽ không biến động như thông thường và vì đồng tiền không thể giữ được giá trị, mọi người không muốn chấp nhận nó như một phương thức thanh toán nữa”.

Siêu lạm phát là một câu chuyện đáng sợ và đã xảy ra nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, ông Snaith lưu ý.

Vào năm 1923 tại Đức, siêu lạm phát trở nên tồi tệ đến mức người lao động được trả lương nhiều lần trong ngày để họ có thể sử dụng đồng lương mua thực phẩm trước khi giá cả đi lên.

Ở Zimbabwe năm 2008, giáo viên kiếm được hàng nghìn tỷ đô la Zimbabwe mỗi tháng nhưng một ổ bánh mì có giá 300 tỷ. Năm 2018 ở Venezuela, một con gà nặng gần 2,3 kg có giá 14,6 triệu bolivar - tương đương khoảng 2 USD.

Câu chuyện nêu trên dẫn đến một lý do khác khiến chính phủ không thể in thêm tiền: bảo vệ giá trị của đồng USD là mục tiêu đặc biệt hệ trọng của cả nước Mỹ. Bộ Tài chính và Fed phải đảm bảo thế thống trị của USD trong hệ thống tài chính.

Cho đến nay, đồng bạc xanh vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, USD chiếm hơn 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu vào cuối năm 2022. Nhiều khoản dự trữ dưới dạng tiền mặt hoặc trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Trong bối cảnh USD vẫn là đồng tiền trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế, khả năng đồng tiền này mất giá có thể gây nguy hiểm cho an ninh kinh tế và tiền tệ toàn cầu.

 

Nhìn chung, in thêm tiền là việc không nên làm để giải quyết vấn đề nợ nần của chính phủ Mỹ bởi những thiệt hại tiềm tàng của động thái này đến nền kinh tế.

Trước mắt, các nhà lập pháp sẽ phải thông qua dự luật đình chỉ trần nợ mà hai ông Biden và McCarthy mới đạt được để cứu Mỹ khỏi cảnh vỡ nợ. Sau đó, họ sẽ phải xem xét kỹ chi tiêu của chính phủ để bế tắc không tái diễn.

“Giải pháp dài hạn cho khối nợ của chính phủ là cân bằng ngân sách”, ông Snaith khuyến nghị.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.