|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức Fed: Thỏa thuận trần nợ giúp Mỹ tránh được hậu quả ‘vô cùng tiêu cực’

14:43 | 29/05/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago cảm thấy lạc quan hơn khi các nhà lập pháp và chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ, và tin rằng Fed có thể đưa nền kinh tế tránh khỏi suy thoái.

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago. (Ảnh: Reuters). 

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Chicago, vui mừng trước thông tin Nhà Trắng và phe Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm đình chỉ trần nợ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 28/5, vị quan chức nói rằng nếu hai bên không thể đi đến thống nhất thì hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ sẽ gặp phải hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Ông cảm thấy an tâm khi thấy những dấu hiệu chứng tỏ các nhà lập pháp sẽ ủng hộ thỏa thuận trần nợ giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Ông cho biết: “Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận thì hậu quả tới hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế sẽ vô cùng tiêu cực. Ngay cả những dự đoán về mối nguy đó cũng gây ra hậu quả lên nền kinh tế và hệ thống tài chính”.

Theo ông Goolsbee, chỉ riêng vấn đề lãi suất cũng đã đủ khiến các nhà đầu tư thấy “sợ hãi và bất an”, chứ chưa nói đến rắc rối về trần nợ.

Theo Chủ tịch chi nhánh Chicago, việc gây ra tâm lý ngờ vực đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ, một trong những tài sản an toàn nhất và được nắm giữ rộng rãi nhất trên thế giới, “không tốt cho tín dụng và nền kinh tế thực". Ông nhấn mạnh: "Tốt nhất chúng ta hãy tránh rắc rối trước. Cứ nâng trần nợ lên rồi giải quyết việc khác”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Goolsbee vẫn từ chối cho biết liệu ông có ủng hộ Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 hay không. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago nói rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa đánh giá được toàn bộ tác động của các đợt tăng lãi suất. 

Cụ thể, ông cho biết: “Tôi thường cố gắng không phán xét và lập quyết định một cách vội vàng khi mà chúng ta vẫn còn cách cuộc họp vài tuần nữa. Từ giờ cho đến khi đó, chúng ta sẽ có thêm nhiều dữ liệu quan trọng”.

Mặt khác, ông tin rằng Fed có thể tránh đưa Mỹ vào suy thoái. “Các động thái chính sách của Fed cần đến hàng tháng hoặc hàng năm trời để tác động lên hệ thống. Đúng là lạm phát vẫn còn quá cao, nhưng ít nhất thì lạm phát cũng đang đi xuống, và chúng tôi vẫn đang cố xoay xở", ông nói.

 

Ông Goolsbee được coi là một trong những quan chức Fed có tư tưởng “bồ câu”, cảnh giác trước các mối đe dọa tới nhiệm vụ tối đa hóa việc làm của người dân hơn là mối nguy của lạm phát cao. Nhưng từ đầu năm đến nay, ông vẫn đồng thuận với quyết định tăng lãi suất của các đồng nghiệp.

Sau 10 đợt tăng liên tiếp, qua đó kéo lãi suất lên phạm vi 5-5,25%, giới chức Fed đã ra hiệu rằng họ có thể tạm ngừng tay trong tháng 6 để đánh giá tác động của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed và quá trình giảm tốc của áp lực giá đang diễn ra chậm hơn mong đợi của các quan chức. Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Từ nay cho đến cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 13 và 14/6, các quan chức sẽ có thêm dữ liệu hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đo lường theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Giang