Doanh nghiệp Mỹ đối mặt với làn sóng phá sản lớn nhất trong hơn một thập kỷ
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng sa thải nhân viên, giờ đây giới doanh nghiệp Mỹ lại phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các vụ phá sản.
Dữ liệu mới từ S&P Global cho thấy 2023 đang trên đà trở thành năm nhiều doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 nhất trong hơn một thập kỷ. Chương 11 là một phần trong luật phá sản của Mỹ.
Hàng loạt rắc rối kinh tế nghiêm trọng đã đẩy các công ty có tình hình tài chính yếu kém vào bước đường cùng. Tuy cũng có nhiều công ty sống sót sau khi trải qua quá trình tái cơ cấu, sự gia tăng của các trường hợp phá sản phản ánh rõ ràng mức độ căng thẳng mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Theo S&P Global, hơn 230 doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn xin phá sản từ tháng 1 đến tháng 4/2023, mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm của bất kỳ năm nào kể từ 2010.
Con số này bao gồm những công ty đại chúng có ít nhất 2 triệu USD tài sản hoặc nợ và doanh nghiệp tư nhân đã phát hành ít nhất 10 triệu USD trái phiếu ra công chúng.
Theo tờ New York Times, nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp phá sản tăng vọt là sự giảm tốc của nền kinh tế, sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất và lạm phát dai dẳng.
Ba yếu tố này thách thức chiến lược kinh doanh của giới doanh nghiệp nói chung và giáng đòn đặc biệt nặng nề vào những công ty có gánh nặng nợ lớn.Trong khi đó, doanh nghiệp lại không còn có thể trông chờ vào những tấm phao cứu sinh như trợ cấp thời đại dịch từ chính phủ.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn đã bắt đầu sa thải nhân viên từ năm ngoái để tiết kiệm chi phí. Nhưng giờ họ đang “cạn kiệt thời gian”, các nhà phân tích của S&P viết trong lưu ý tuần trước.
“Những doanh nghiệp vốn đã chật vật từ trước đại dịch cũng như trước khi thời kỳ lãi suất thấp kết thúc đã chạm đến ngưỡng chịu đựng cuối cùng", nhóm phân tích nhấn mạnh.
Các công ty trong ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu gửi nhiều đơn xin phá sản hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Ngành này bao gồm các công ty bán lẻ và nhà hàng – thường là những doanh nghiệp nhạy cảm nhất với các thách thức kinh tế.
Bed Bath & Beyond và David’s Bridal là hai cái tên nổi bật nhất trong ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu đã ngã quỵ trong năm 2023.
Theo sau là các tổ chức tài chính, các vụ phá sản trong ngành này đã gia tăng khi cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra. Tiếp đến là doanh nghiệp y tế và các nhà sản xuất công nghiệp.
Ông Joe Davis, trưởng chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Vanguard, cảnh báo rằng số vụ phá sản sẽ tiếp tục tăng trong năm nay trong bối cảnh ngân hàng hạn chế cho vay. Các điều kiện tài chính được dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt – một phần bởi chiến dịch tăng lãi suất của Fed – và có khả năng sẽ buộc giới doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên và nộp đơn phá sản.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng nếu tranh cãi về trần nợ không được giải quyết kịp thời, sẽ càng có thêm nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực.
Bank of America dự đoán rằng trong tình huống tồi tệ nhất, tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp có thể lên đến gần 15%. Các chiến lược gia của ngân hàng nói thêm rằng 8% là con số có nhiều khả năng xảy ra hơn, nhưng tỷ lệ này vẫn sẽ tương ứng với gần 1.000 tỷ USD nợ không được trả.