2.000 tỷ USD bị rút khỏi nền kinh tế toàn cầu, chuyện gì có thể xảy ra?
Theo CNN, những chính sách được các ngân hàng trung ương (NHTW) triển khai để khôi phục lòng tin của công chúng và giữ dòng tiền chảy vào nền kinh tế là một thử nghiệm đầy rủi ro và khó có thể ngừng lại mà không làm mất ổn định hệ thống tài chính.
Các NHTW từng mua lượng trái phiếu chính phủ trị giá hàng chục nghìn tỷ USD cùng nhiều tài sản khác nhằm giảm chi phí đi vay dài hạn và kích thích nền kinh tế. Biện pháp này được gọi là “nới lỏng định lượng” hay QE và đã tạo ra kỷ nguyên tiền mặt giá rẻ.
Tuy nhiên, kể từ khi lạm phát lên đỉnh vào năm 2022, các NHTW đã bắt tay vào nhiệm vụ thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua việc bán chứng khoán nợ, để chúng đáo hạn và biến mất khỏi sổ sách.
Theo một phân tích gần đây của Fitch Ratings, quá trình “thắt chặt định lượng” hay QT của các NHTW sẽ hút 2.000 tỷ USD thanh khoản trong hai năm tới. Tình trạng cạn kiệt thanh khoản ở quy mô trên có thể làm gia tăng căng thẳng đối với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính.
Ông Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI), cho biết: “Tôi e là chúng ta đang phải đối đầu với những thứ chưa ai biết đến". Ông lưu ý “những hậu quả không mong muốn” có thể xảy đến khi QT được tiếp tục.
Bảng cân đối kế toán phình to
Từ năm 2009 đến 2022, hoạt động mua trái phiếu chính phủ dài hạn và những tài sản như chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (MBS) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đạt tổng trị giá là 19.700 tỷ USD, theo Fitch.
Giờ đây, những NHTW có ảnh hưởng nhất thế giới - ngoại trừ BoJ - đang giảm dần quy mô bảng cân đối kế toán của mình.
Vào năm 2017, cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen đã so sánh QT với việc “chờ xem sơn khô” và mô tả quá trình này là “thứ gì đó lặng lẽ ở hậu trường”. Ông Rajan, người hiện là giáo sư tài chính tại Đại học Chicago, lại không đồng tình. Ông lưu ý rằng các nhà đầu tư và ngân hàng điều chỉnh chiến lược dựa trên lượng tiền có trong hệ thống tài chính.
Ông Rajan nói: “Vấn đề là nhu cầu về thanh khoản tăng vọt và rất khó để hệ thống không bị QE thu hút”. Ông ví QE như một “cơn nghiện”.
Chỉ một dấu hiệu từ Fed về dự định giảm tốc độ mua lại tài sản vào năm 2013 đã dẫn đến “taper tantrum” - sự kiện các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.
Khi Fed thử QT vào năm 2017-2019, một số rắc rối đã xảy ra. Vào tháng 9/2019, lãi suất tại thị trường cho vay qua đêm của Mỹ đã bất ngờ tăng vọt, buộc Fed phải can thiệp bằng cách bơm thanh khoản khẩn cấp.
Ông Gary Richardson, giáo sư kinh tế tại Đại học California, nói “có rất nhiều bất ổn xảy ra” khi thời kỳ “kiếm tiền dễ dàng kết thúc” và một chương mới bắt đầu.
Dấu hiệu căng thẳng
Theo một số chuyên gia, tác động gây bất ổn của QT được thể hiện rõ ở hai giai đoạn căng thẳng trong 8 tháng qua. Vào tháng 9 năm ngoái, trái phiếu chính phủ Anh đã bị bán tháo mạnh, khiến đồng bảng Anh (GBP) lao dốc và buộc BoE phải can thiệp nhiều lần.
Một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trên là do những lo ngại xoay quanh kế hoạch của cựu Thủ tướng Liz Truss nhằm tăng vay nợ trong khi BoE chuẩn bị bán trái phiếu. Các nhà đầu tư dự đoán nguồn cung trái phiếu dư thừa sẽ làm giảm giá trị của chúng.
Các nhà phân tích của Fitch nhận định rằng cuộc khủng hoảng trên “cho thấy nguy cơ xảy ra tình trạng mất trật tự” trên thị trường trái phiếu chính phủ trong giai đoạn QT.
Ông Rajan cho biết QT cũng đang góp phần gây ra sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ, phơi bày những tổ chức yếu kém như Silicon Valley Bank - ngân hàng sụp đổ vào tháng 3/2023.
Trong thời kỳ tiền rẻ, các ngân hàng đã chứng kiến lượng tiền gửi tăng vọt, nhiều khoản vượt qua mức bảo hiểm của chính phủ Mỹ. Sau đó, các NHTW bắt đầu rút thanh khoản khỏi hệ thống tài chính, tạo ra chênh lệch nguy hiểm nếu người gửi đột ngột rút tiền.
Hơn nữa, việc NHTW nâng lãi suất khiến các khoản đầu tư như trái phiếu chính phủ của các ngân hàng bị mất giá, tạo ra các khoản lỗ chưa thực hiện.
“Lời khuyên của tôi là ‘đừng thực hiện QT trước khi lãi suất ổn định’”; ông Rajan nói. “Làm cả hai việc cùng lúc sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn và có thể gây ra vấn đề”.
Tác động cả tới chính trị
Bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, lưu ý rằng trong năm qua, thị trường trái phiếu dường như nhạy cảm với lãi suất tăng hơn là QT. Theo bà, tác động của QT cho đến nay là “khiêm tốn”.
Tuy vậy, thị trường vẫn còn mong manh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo ổn định tài chính rằng hoạt động QT ở khu vực đồng euro, Mỹ và Anh đã làm giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ, khiến thị trường dễ bị tổn thương hơn trước những biến động giá bất thường.
Cuộc khủng hoảng tại Anh năm ngoái cho thấy các nhà đầu tư không phải những người duy nhất gặp rủi ro từ QT. Các chính trị gia cũng nên xem xét những chuyển biến bước ngoặt đang diễn ra.
Dù nợ của các chính phủ đã tăng vọt trong những năm gần đây, chi phí trả nợ đã giảm bớt khi các NHTW sẵn sàng mua một lượng lớn trái phiếu. Giờ đây, chính phủ sẽ cần tìm kiếm thêm người mua để tài trợ cho những dự án đầu tư mới.
Ông Richardson tin rằng cách tiếp cận mới của các NHTW có thể trở thành nguyên nhân chính gây mâu thuẫn ở Mỹ, ngay cả khi cuộc chiến về trần nợ quốc gia được giải quyết.
Ông nói: “Nếu Fed không còn mua tất cả những trái phiếu này nữa, thì lãi suất của chúng sẽ phải cao hơn nhiều. Tại một thời điểm nào đó, những gì Fed làm sẽ vướng vào chính trị”.