|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ phải lao dốc thảm thì cuộc khủng hoảng trần nợ mới được giải quyết?

10:29 | 23/05/2023
Chia sẻ
Mặc cho quả bom hẹn giờ tại Washington đe dọa sẽ khiến nền kinh tế thế giới nổ tung, Phố Wall có vẻ không quá lo lắng. Thái độ bình tĩnh của các nhà đầu tư có thể khiến vấn đề trần nợ càng khó được giải quyết.

Nhà đầu tư quan sát biểu đồ chứng khoán. (Ảnh: Reuters). 

Yếu tố cần thiết

Cho tới nay, thị trường chứng khoán Mỹ gần như chưa xảy ra bất kỳ đợt bán tháo nào vì nỗi lo chính phủ vỡ nợ. Chỉ số Nasdaq vẫn cao hơn gần 22% so với đầu năm. Chỉ số Tham lam và Sợ hãi của CNN đang ở gần với ngưỡng “tham lam tột độ”. 

Có lẽ các nhà đầu tư thờ ơ bởi họ đã từng chứng kiến cuộc khủng hoảng kiểu này, và biết trước kết cục của nó. Các chính trị gia sẽ chờ đến phút chót mới chịu nhượng bộ và nâng trần nợ lên trước khi thảm họa ập đến. 

Không ai muốn thấy thị trường hoảng loạn và khiến các nhà đầu tư nghèo đi một cách vô ích. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng một chút hỗn loạn trên thị trường có thể là điều cần thiết. 

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nói với CNN hôm 22/5: “Một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán có thể là yếu tố cần thiết để các nhà tài trợ và cử tri gây áp lực buộc các nhà lập pháp ngừng màn kịch chính trị và nâng giới hạn vay nợ”.  

Hôm 19/5, Nhà Trắng và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa có vẻ đang gần tiến đến thỏa thuận về trần nợ nhưng sau đó đàm phán bất ngờ đổ vỡ.

Tuy nhiên, ngay cả thông tin đó cũng bị Phố Wall nhún vai bỏ qua. Kết phiên cuối tuần trước, Dow Jones giảm 109 điểm, tương đương 0,3%. Mức giảm khiêm tốn này không đủ để khiến cử tri và các nhà tài trợ chính trị thấy cần phải liên lạc với các nhà lập pháp.

 

Tâm lý bình thản trên các thị trường đang tạo ra vòng lặp luẩn quẩn. Các nhà đầu tư cược rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết. Các nhà lập pháp không phải vội vã bởi thị trường chưa hoảng loạn. Vòng lặp lại bắt đầu lại từ đầu.

Ông Nicholas Colas, đồng sáng lập hãng nghiên cứu DataTrek Research, nhận xét: “Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có thể cần phải chứng kiến thị trường rơi vào hỗn loạn mới đi đến thỏa thuận”.

Lịch sử cho thấy sự rối loạn của thị trường có thể buộc các nhà lập pháp đưa ra các quyết định khó khăn. Ví dụ, chỉ số Dow Jones lao dốc 778 điểm – tương đương gần 7% - vào ngày 29/9/2008, sau khi Hạ viện Mỹ bác bỏ Chương trình Trợ cấp Tài sản Xấu.

Thị trường đã phát ra thông điệp rất to và rõ ràng. Chỉ vài ngày sau đó, Hạ viện tổ chức lại cuộc bỏ phiếu và phê chuẩn gói giải cứu gây tranh cãi.

Năm 2011, năm diễn ra cuộc chiến trần nợ khốc liệt nhất trong lịch sử nước Mỹ, thị trường phải trải qua biến động trong hàng tuần trước khi Washington đạt được thỏa thuận vào phút chót để ngăn Mỹ vỡ nợ.

Sau đó, tình trạng bán tháo tiếp tục diễn ra bởi nhà đầu tư lo lắng về các khoản cắt giảm chi tiêu lớn và việc S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

“Chưa đủ lo lắng”

Tuy nhiên, thị trường cũng không hoàn toàn ngó lơ cuộc khủng hoảng trần nợ. Đằng sau vẻ ngoài bình tĩnh, thị trường cũng đã có dấu hiệu lo âu. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Mỹ đã tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc đáo hạn trong mùa hè năm nay cũng tăng cao bởi nhà đầu tư lo chính phủ sẽ không thanh toán đúng hạn. 

Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa thực sự nao núng. Và điều đó có nghĩa là không ai giục giã các quan chức ở Washington hành động.

Ông Ed Mills, nhà phân tích chính trị tại ngân hàng đầu tư Raymond James, cho biết: “Điều khiến tôi thấy quan ngại là thị trường vẫn chưa đủ lo lắng”.

Vị chuyên gia nói rằng rắc rối không chỉ bao gồm việc Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phải đạt được thỏa thuận. Điều quan trọng là làm sao buộc các thành viên bình thường trong hai đảng thông qua thỏa thuận.

Nếu thị trường sụt giảm đáng kể, điều đó có thể giúp tạo ra cảm giác cấp bách và thúc đẩy các nhà lập pháp hành động trái với mong muốn của họ.

Giang

Chứng khoán Mỹ phân hóa mạnh: Dow Jones giảm liền 8 phiên, Nasdaq Composite lại lập kỷ lục
Chứng khoán Mỹ ghi nhận kết quả trái chiều trong phiên giao dịch trước thềm cuộc họp của Fed. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt Nasdaq Composite và S&P 500 tiếp tục đi lên, trong khi Dow Jones quay đầu giảm.