|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đàm phán trần nợ 'hiệu quả' nhưng ông Biden và Chủ tịch Hạ viện chưa chốt được thoả thuận

07:49 | 23/05/2023
Chia sẻ
Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết cuộc đàm phán mới nhất giữa ông và Tổng thống Joe Biden diễn ra "hiệu quả", nhưng hiện hai bên chưa đạt được thoả thuận nào.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. (Ảnh: New York Times).

Chưa có thoả thuận

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông đã có một cuộc họp “hiệu quả” và “chuyên nghiệp” với Tổng thống Joe Biden để tìm cách nâng trần nợ công, nhưng hiện cả hai chưa đạt được thoả thuận.

Chia sẻ với truyền thông vào ngày 22/5, ông McCarthy bày tỏ: “Tôi nghĩ thái độ đàm phán [của đôi bên] tối nay tốt hơn các buổi trước”.

Cuộc họp giữa hai ông Biden và McCarthy cũng giúp ích cho các nhóm đàm phán đang cố gắng chốt một thoả thuận.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà Patrick McHenry, người đang đàm phán thay mặt ông McCarthy, cho biết: “Cuộc gặp vừa qua của hai nhà lãnh đạo cho chúng tôi biết thêm một chút chi tiết mà chúng tôi cần đưa vào thoả thuận...”

“Được nghe Chủ tịch Hạ viện và Tổng thống bày tỏ quan điểm của họ một cách trực tiếp và không gay gắt với nhau quả thực rất hữu ích.

Đó là một cuộc thảo luận có ý nghĩa, giúp chúng tôi có được một cấu trúc cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mọi người dân”, ông McHenry tiếp tục.

Ông McCarthy cho biết hai đội đàm phán “sẽ quay lại và làm việc thâu đêm” để chốt được một thoả thuận hợp lý. “Tổng thống Biden và tôi biết rõ hạn chót, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi sẽ nói chuyện mỗi ngày cho đến khi xong việc”, ông nói.

Trước cuộc họp, ông Biden nhấn mạnh rằng hai người đều cần một thoả thuận có thể “dung hoà cả hai bên” trong một Quốc hội siêu đảng phái và bị chia rẽ sâu sắc.

“Chúng tôi vẫn còn một vài bất đồng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể giải quyết được”, ông Biden chia sẻ trước khi bắt đầu cuộc đàm phán cùng Chủ tịch Hạ viện McCarthy, theo CNBC.

Ông McCarthy cũng thể hiện thái độ lạc quan thận trọng của ông Biden. “Tôi nghĩ cuối cùng, chúng tôi sẽ có thể tìm thấy tiếng nói chung, làm cho nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn và giải quyết vấn đề trần nợ này...”, nhà lập pháp bày tỏ.

 

Hạn chót 1/6

Ngay trước cuộc họp mới nhất giữa ông chủ Nhà Trắng và ông McCarthy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đã tái khẳng định rằng 1/6 là thời điểm sớm nhất mà Mỹ có thể vỡ nợ.

Trong bức thư mới đây gửi các nhà lãnh đạo, bà Yellen đã trình bày lập luận tương tự những bức thư mình gửi đi trong suốt mùa xuân. Song, bức thư mới này có hai sự khác biệt đáng chú ý.

Đầu tiên là việc bà Yellen mô tả khả năng vỡ nợ vào đầu tháng 6 là “rất có thể xảy ra”, trong khi tuần trước bà chỉ viết là “có khả năng xảy ra”.

Thứ hai, vị bộ trưởng đã loại bỏ một dòng trong bức thư tuần trước, trong đó dự báo rằng các thủ thuật kế toán đặc biệt mà Bộ Tài chính sử dụng để xoay xở các khoản thanh toán của chính phủ có thể kéo dài thời điểm vỡ nợ sang tháng 6.

“Ngày thực tế mà Bộ Tài chính sử dụng hết các biện pháp đặc biệt có thể muộn hơn vài ngày hoặc vài tuần so với những ước tính này”, bà viết trong bức thư cũ. Song, đến ngày 22/5, sự lạc quan của bà Yellen đã biến mất.

Cũng trong chia sẻ với truyền thông vào cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tin ngày 1/6 là thời hạn chót. Ông cũng thừa nhận rằng các vấn đề liên quan đến quy trình lập pháp đã bắt đầu đè nặng lên tính toán của mình.

“Tôi nghĩ chúng tôi có thể đạt được một thoả thuận vào tối nay, hoặc vào ngày mai, nhưng chúng tôi cần phải hoàn thành nó trong tuần này để có thể thông qua tại Hạ viện và chuyển đến Thượng viện kịp hạn chót 1/6”, ông nhấn mạnh.

Cả ông Biden lẫn ông McCarthy đều thừa nhận một trong những điểm vướng mắc chính vẫn là vấn đề giới hạn chi tiêu, một yêu cầu quan trọng của Đảng Cộng hoà để đạt được thoả thuận nâng trần nợ nhưng là một lằn ranh đỏ đối với Nhà Trắng.

“Vấn đề cơ bản ở đây là kể từ khi chiếm được đa số trong Quốc hội, Đảng Dân chủ đã bắt đầu nghiện chi tiêu. Giờ họ sẽ buộc phải dừng lại. Chúng tôi sẽ buộc họ phải chi tiêu ít hơn năm ngoái”, ông McCarthy nói với các phóng viên vào đầu ngày.

Khả Nhân

Chứng khoán Mỹ phân hóa mạnh: Dow Jones giảm liền 8 phiên, Nasdaq Composite lại lập kỷ lục
Chứng khoán Mỹ ghi nhận kết quả trái chiều trong phiên giao dịch trước thềm cuộc họp của Fed. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt Nasdaq Composite và S&P 500 tiếp tục đi lên, trong khi Dow Jones quay đầu giảm.