|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Bộ trưởng Larry Summers: Mỹ kéo dài đàm phán trần nợ là trò nguy hiểm, như bịt mắt đi giữa dòng xe cộ

23:30 | 20/05/2023
Chia sẻ
Theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers, bế tắc trần nợ của chính phủ Mỹ là một trò chơi nguy hiểm và không cần thiết, giống như nhắm mắt đi trên một con đường đông xe cộ.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers. (Ảnh: Getty Images).

Nhắm mắt đi giữa dòng xe cộ

Cuộc tranh luận về việc liệu Quốc hội có nâng trần nợ công hay không đã kéo dài từ tháng 1, khi khối nợ của Mỹ chạm mức trần hiện tại là 31.400 tỷ USD, theo Fortune.

Kể từ đó, Bộ Tài chính đã dùng các thủ thuật kế toán đặc biệt để xoay xở tình hình. Song, các biện pháp đó sắp không thể sử dụng được nữa, đồng nghĩa rằng chính phủ có nguy cơ sẽ vỡ nợ, có thể là ngay ngày 1/6 tới.

Đảng Cộng hoà yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cắt giảm chi tiêu thì mới đồng ý nâng trần nợ. Trong quá khứ, các nhà lập pháp từng sử dụng vấn đề trần nợ này để thúc đẩy các mục tiêu chính sách của mình.

Tuy nhiên, đối với ông Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, lấy trần nợ ra làm quân bài đàm phán và đẩy Mỹ sát nguy cơ vỡ nợ như thế này là một nước đi không có lợi và có quá nhiều rủi ro.

Theo ông, tiền lệ lịch sử cho thấy việc chờ đến giờ chót mới nâng giới hạn đi vay của chính phủ có thể giáng một đòn mạnh vào thị trường tài chính và vị thế toàn cầu của nền kinh tế Mỹ.

“Đó là một dạng thử nghiệm, nhưng là kiểu nhắm mắt đi lang thang giữa dòng xe cộ. Có thể bạn sẽ bình an vô sự nếu thử trò đó, nhưng tại sao lại phải mạo hiểm như vậy”, ông Summers đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNN.

“Tôi nghĩ rằng đây là một trò chơi ngớ ngẩn. Tôi hy vọng nó sẽ kết thúc sớm nhất có thể”, vị cựu bộ trưởng tiếp lời.

 

Hồi tưởng lại năm 2011

Mỹ bắt buộc phải nâng giới hạn đi vay khi nền kinh tế phát triển. Cuộc tranh luận về trần nợ đã xuất hiện từ lâu, bất chấp nhiều quan chức, bao gồm Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Janet Yellen, kêu gọi bãi bỏ truyền thống 106 năm này.

Lần gần nhất bế tắc xoay quanh trần nợ xảy ra là vào năm 2011, khi các nghị sĩ Đảng Cộng hoà và chính quyền Tổng thống Barack Obama đạt được thoả thuận chỉ vài ngày trước khi Bộ Tài chính cạn tiền.

Tuy nhiên, dù trần nợ đã được nâng lên, cuộc tranh cãi kéo dài giữa Quốc hội và chính phủ năm đó vẫn khiến S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống còn AA+.

“Nước Mỹ vẫn có xếp hạng tín dụng thấp hơn, bởi vì chúng ta từng tiến gần tới bờ vực vỡ nợ vào năm 2011. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa được nâng hạng tín dụng”, ông Summers cho hay.

Một hậu quả lâu dài khác của cuộc chiến trần nợ năm 2011 là khả năng Mỹ vỡ nợ đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán. Ông Summers nói đây là một sự việc mà ông không muốn lặp lại.

“Năm 2011, thị trường chứng khoán đã giảm hơn 15%. Ngày nay, thiệt hại có thể vào khoảng 6.000 tỷ USD. Khối tài sản của hầu hết người dân Mỹ có thể sẽ sụt giảm 20.000 USD, ít nhất là trong một khoản thời gian”, ông cảnh báo.

Khi hạn chót 2/8/2011 mà Bộ Tài chính đưa ra ngày càng đến gần, thị trường tài chính Mỹ càng rơi vào tình trạng bấp bênh. Giá trị đồng USD sụt giảm, thị trường trượt dốc và nhà đầu tư nháo nhào tìm đến các tài sản an toàn hơn như vàng.

Đó là lần đầu tiên Mỹ gần một vụ vỡ nợ đến vậy và căng thẳng là cực kỳ cao, cựu Bộ trưởng Summers cho hay.

Hiện tại, khi Mỹ một lần nữa tiến gần đến hạn chót 1/6 của Bộ Tài chính, nền kinh tế đang phải đối mặt với một số rủi ro lớn.

Tâm lý hoảng loạn vẫn chưa bao trùm thị trường tài chính, bởi chỉ số S&P 500 đã tăng 8% kể từ tháng 1 đến nay. Song, có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nhà đầu tư đang chuyển sang các tài sản ổn định hơn.

Giá các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Mỹ đang tăng mạnh. Chính phủ các nước đang giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ, bởi loại tài sản này sẽ nhanh chóng giảm giá trị nếu Mỹ vỡ nợ.

Đầu tuần này, chiến lược gia cấp cao Michael Wilson của Morgan Stanley cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ có thể biến động dữ dội nếu cuộc tranh luận về trần nợ kéo dài.

Trong một lưu ý gửi khách hàng, nhà phân tích Marco Kolanovic của JPMorgan Chase cũng so sánh rủi ro đối với thị trường hiện nay tương tự như trong cuộc bán tháo năm 2011.

 

Khả Nhân