|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Cơn bão' nợ doanh nghiệp gần 600 tỷ USD đang âm thầm đổ bộ nền kinh tế toàn cầu

17:39 | 19/07/2023
Chia sẻ
Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tín dụng đã lùi xa. Tuy nhiên, làn sóng vỡ nợ và phá sản của doanh nghiệp đang âm thầm xuất hiện khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc.

"Cơn bão" nợ doanh nghiệp đang bắt đầu đổ bộ lên nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Hồi chuông cảnh báo

Điện thoại của ông Richard Cooper là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho nền kinh tế toàn cầu. Gần đây, điện thoại đã đổ chuông nhiều hơn.

Là đối tác của Cleary Gottlieb, một trong những hãng luật hàng đầu về phá sản doanh nghiệp, trong nhiều thập kỷ qua, ông Cooper đã tư vấn cho các công ty trên khắp thế giới những việc họ cần làm khi ngập trong nợ nần.

Ông đã kinh qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cú sốc giá dầu năm 2016 và đại dịch COVID-19 năm 2020.

Giờ đây, ông lại phải căng mình hỗ trợ doanh nghiệp lần nữa, khi số vụ phá sản của các công ty tăng với tốc độ nhanh thứ hai kể từ năm 2008.

“Tôi có cảm giác lần này khác với những chu kỳ trước. Chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều vụ phá sản [trong thời gian tới]”, ông Cooper chia sẻ.

Công việc của Cooper giúp ông nhìn thấy trước “cơn bão” nợ doanh nghiệp quy mô gần 600 tỷ USD đang bắt đầu đổ bộ trên toàn cầu. Con số này là dựa theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Khối nợ chắc chắn sẽ còn tăng lên. Và điều đó càng khiến Phố Wall lo lắng hơn, bởi nợ nần có thể đe doạ tăng trưởng kinh tế và gây căng thẳng cho thị trường tín dụng vốn chỉ mới vừa thoát khỏi những tổn thất nặng nề thời đại dịch.

Ông Richard Cooper, đối tác tại hãng luật hàng đầu thế giới Cleary Gottlieb. (Ảnh: Bloomberg).

Bloomberg cho rằng bên dưới bề mặt là một vấn đề còn phức tạp hơn. Khối nợ của doanh nghiệp đã phình to trong thời kỳ tiền rẻ. Ngay cả những công ty yếu kém cũng dễ dàng vay mượn.

Giờ đây, nó trở thành gánh nặng lớn khi các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát và có vẻ sẽ giữ chúng trong thời gian dài hơn dự kiến của hầu hết chuyên gia trên Phố Wall.

Khối nợ phình to

Tại Mỹ, lượng trái phiếu có lợi suất suất cao và khoản vay có đòn bẩy - thường là của các công ty nhiều rủi ro, tín nhiệm kém - đã tăng gấp đôi từ năm 2008 lên 3.000 tỷ USD vào năm 2021, trước khi Fed tăng lãi suất, theo S&P Global.

Trong cùng giai đoạn, khoản nợ của các công ty phi tài chính tại Trung Quốc cũng tăng mạnh so với quy mô nền kinh tế. Ở châu Âu, lượng trái phiếu rác phát hành đã nhảy vọt hơn 40% chỉ riêng trong năm 2021.

Trong vài năm tới, doanh nghiệp sẽ phải thanh toán cho rất nhiều trong số những chứng khoán nợ đó. Vì vậy, khối nợ sắp đến hạn sẽ tăng lên khoảng 785 tỷ USD.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và châu Âu chững lại, cùng với việc Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất, một số doanh nghiệp có thể sẽ không trang trải nổi nợ nần.

Dữ liệu của S&P Global cho thấy, chỉ riêng ở châu Mỹ, distressed debt (lượng trái phiếu và khoản vay của các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản) đã tăng hơn 360% kể từ năm 2021. Nếu xu hướng này tiếp tục lan rộng, chu kỳ vỡ nợ trên diện rộng có thể xảy ra.

 

“Chuyện này giống như một sợi dây thun. Bạn có thể không sao khi dây bị kéo căng ở mức độ nhất định, nhưng sẽ có lúc nó búng ngược vào tay bạn”.

Bà Carla Matthews, quản lý cấp cao tại hãng tư vấn PwC, chia sẻ với Bloomberg.

Nhiều công ty đã ngã quỵ

Viễn cảnh đáng ngại mà giới chuyên gia đề cập đã bắt đầu diễn ra. Chỉ riêng trong năm nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 120 vụ phá sản lớn. Nhiều công ty khác đang không thể thanh toán nợ hoặc ít nhất là đang chật vật để xoay xở.

Tuần này, Moody’s Investors Service cảnh báo tỷ lệ vỡ nợ đối với các doanh nghiệp có trái phiếu xếp hạng rác trên toàn thế giới có thể đạt 5,1% vào năm tới, tăng từ mức 3,8% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua.

Trong kịch bản bi quan nhất, tỷ lệ trên có thể tăng tới 13,7% - vượt qua mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008-2009.

Theo Bloomberg, không ngành nào phải đối mặt với áp lực lớn như bất động sản thương mại, do người lao động chưa quay trở lại văn phòng làm việc như dự kiến, dẫn đến nhiều toà nhà bị trống.

Dữ liệu cho thấy hơn 25% số nợ của các công ty có nguy cơ phá sản trên toàn thế giới - tương đương khoảng 168 tỷ USD - gắn liền với lĩnh vực bất động sản, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Phần lớn số nợ xấu liên quan đến ngành bất động sản là hệ quả khi thị trường địa ốc Trung Quốc lao dốc, Bloomberg thông tin.

Khi tập đoàn bất động sản nặng nợ hàng đấu thế giới là Evergrande tái cấu trúc khối nợ của mình, các công ty lớn như Dalian Wanda và Country Gardan đã chứng kiến giá trái phiếu sụt mạnh.

Tại Mỹ, gã khổng lồ văn phòng làm việc chung (co-working) WeWork có các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2025 với lợi suất hiện tại khoảng 70%. Lỗ của Wework ngày càng phình to sau khi công ty IPO vào năm 2021.

 

Tương lai khó đoán

Dĩ nhiên, tương lai vẫn còn nhiều điều khó lường. Chẳng hạn, nền kinh tế Mỹ vẫn bền bỉ một cách đáng kinh ngạc dù chi phí đi vay tăng cao và lạm phát hạ nhiệt khiến nhà đầu tư ngày càng tin rằng Fed có thể thực hiện một cú “hạ cánh mềm”.

Chênh lệch lợi suất trên thị trường trái phiếu rác của Mỹ, một thước đo quan trọng về rủi ro đầu tư, cũng đã thu hẹp kể từ tháng 3, thời điểm Silicon Valley Bank sụp đổ và khiến công chúng lo sợ về một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Dù vậy, ngay cả khi số vụ vỡ nợ tăng một cách khiêm tốn, nền kinh tế toàn cầu vẫn có nguy cơ đối mặt với một thách thức mới.

Càng nhiều vụ vỡ nợ xảy ra, nhà đầu tư và ngân hàng sẽ càng hạn chế cho vay, qua đó đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khốn cùng hơn, bởi các lựa chọn tài chính đã không còn.

Các vụ phá sản cũng gây áp lực lên thị trường việc làm khi người lao động bị sa thải. Chi tiêu tiêu dùng sụt giảm khi thu nhập của người lao động đi xuống sẽ là một lực cản nữa của nền kinh tế.

“Bạn sẽ chứng kiến những tình huống mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ và họ không có cách nào cải thiện bảng cân đối kế toán, sức khoẻ của con nợ sẽ không khá lên...”, ông Cooper của hãng luật Cleary Gottlieb cảnh báo.

Yên Khê

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.