|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu bán dẫn bị bán tháo, Nasdaq Composite lần đầu giảm điểm hai tuần liên tiếp trong năm nay

07:38 | 12/08/2023
Chia sẻ
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 11/8 khi cổ phiếu nhiều công ty bán dẫn bị bán tháo. Trong khi đó, Dow Jones vẫn tiếp tục tăng nhờ cổ phiếu ngành năng lượng và y tế.

Chỉ số Nasdaq Composite đã đi xuống dưới bình quân trượt 50 phiên (MA50). 

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 11/8, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã giảm khoảng 0,6% và đóng cửa ở mức 13.645 điểm khi bị kéo lùi bởi đợt bán tháo cổ phiếu bán dẫn như Advanced Micro Devices (AMD), Nvidia và Micron. VanEck Semiconductor ETF (SMH) đã giảm 5,2% trong tuần này, ghi nhận kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2022.  

Cổ phiếu của Nvidia đã điều chỉnh trong những tuần gần đây. 

S&P 500 tụt khoảng 0,1%, chốt phiên ở mức 4.464 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 105 điểm, tương đương 0,3% lên mức 35.281 điểm. Chỉ số Dow Jones được thúc đẩy nhờ Chevron và Merch & Co, mỗi cổ phiếu lần lượt tăng 2,1% và 1,8%.

Xét trong tuần, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã lần lượt giảm khoảng 0,3% và 1,9%. Cả hai đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Trong cả năm 2023, đây là lần đầu tiên Nasdaq ghi nhận hai tuần tiêu cực liền nhau. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 0,6% trong tuần sau nhiều thông tin tức cực về nền kinh tế.

Dow Jones vẫn có một tuần tích cực trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm điểm. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm hơn so với dự đoán bởi các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát. CPI chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kỳ vọng là 3,3%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI lõi (không bao gồm biến động giá lương thực và năng lượng) vẫn đang ở mức 4,7%, một dấu hiệu cho thấy lạm phát đang trở nên ít co dãn (sticky inflation - hiện tượng giá cả không điều chỉnh nhanh chóng theo sự thay đổi của cung và cầu , dẫn đến lạm phát dai dẳng). 

Dữ liệu lạm phát được công bố hôm 11/8 lại đang làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế Mỹ. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 đã tăng 0,3% so với tháng liền trước, cao hơn mức kỳ vọng 0,2% của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát. 

Trong tháng 7, cả CPI và PPI đều ghi nhận tốc độ tăng cao hơn tháng 6. 

Những biến động trong tuần này cho thấy một giai đoạn khó khăn đối với thị trường chứng khoán sau kết quả mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang thấp hơn so với hồi đầu tháng 8. 

Ông Greg Bassuk, CEO của AXS Investment, nhận định: “Các nhà đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào sự nhất quán hơn” trong dữ liệu kinh tế. “Những kết quả thiếu nhất quán này sẽ làm gia tăng biến động”.

 

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan, người tiêu dùng Mỹ đã trở nên kém lạc quan hơn một chút về triển vọng kinh tế. Số liệu tháng 8 về tâm lý thị trường là 71,2, giảm nhẹ so với 71,6 của tháng 7 và thấp hơn so với ước tính 71,7 của Dow Jones. 

Về mặt lạm phát, kỳ vọng không thay đổi nhiều. Trong một năm tới, người tiêu dùng Mỹ cho rằng lạm phát sẽ đạt 3,3%, trong khi 5 năm là 2,9%. Cả hai kết quả đều giảm 0,1 điểm % so với cuộc khảo sát hồi tháng 7.

Minh Quang