CPI tháng 7 của Mỹ tăng thấp hơn dự báo nhưng Fed chưa thể ngơi tay
Báo cáo do Cục Thống kê Lao động Mỹ mới công bố cho thấy vào tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy cao hơn con số 3% của tháng 6, mức tăng CPI trong tháng 7 lại thấp hơn một chút so với dự báo 3,3% của các chuyên gia kinh tế mà Dow Jones khảo sát.
So với tháng liền trước, CPI tháng 7 tăng 0,2%, phù hợp với ước tính của Dow Jones, tờ CNBC cho hay.
Không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi cũng nhích 0,2% so với tháng trước, tương đương ước tính.
So với một năm trước, CPI lõi tăng 4,7%, là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 và cũng thấp hơn một chút so với ước tính đồng thuận của các nhà kinh tế Dow Jones.
Thị trường tài chính phản ứng tích cực với bản báo cáo. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 200 điểm và lợi suất trái phiếu Kho bạc xuống thấp hơn.
Hơn 90% mức tăng của CPI đến từ chi phí nhà ở, Cục Thống kê Lao động Mỹ lưu ý. Báo cáo cho thấy khoản mục này tăng 0,4% so với tháng 6 và 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá thực phẩm nhích 0,2% và giá năng lượng đi lên 0,1% dù giá dầu thô và xăng bán lẻ đã bật tăng trong tháng 7.
Giá xe đã qua sử dụng giảm 1,3% và chi phí dịch vụ chăm sóc y tế sụt 0,4% so với tháng 6.
Lạm phát hạ nhiệt đã giúp lương của người lao động tăng lên. Theo bản báo cáo, trong tháng 7, tiền lương thực tế của người Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng 6 và 1,1% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, các dữ liệu mới nhất cho thấy dù đã tụt khỏi mức đỉnh hơn 40 năm, lạm phát vẫn đang cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, khiến ngân hàng trung ương Mỹ khó hạ lãi suất trong tương lai gần.
Chia sẻ với CNBC, bà Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại hãng quản lý tài sản Principal Asset Management, cho hay: “Dù đang đi đúng hướng, lạm phát vẫn còn cao, cho thấy Fed vẫn chưa thể cắt giảm lãi suất”.
“Quả thực, quá trình thiểu phát khó có thể diễn ra suôn sẻ và nền kinh tế cần phải trải qua một chút đau đớn trước khi lạm phát quay về mức mục tiêu 2% một cách bền vững”, bà nói thêm.
Tuy nhiên, việc lạm phát hạ nhiệt cũng đang giúp giảm bớt một số áp lực lên ngân hàng trung ương Mỹ.
Sau khi tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3 năm ngoái, các quan chức Fed được kỳ vọng sẽ tạm nghỉ ngơi vào tháng 9.
Song, họ sẽ tiếp tục tranh luận về hướng đi chính sách sau đó và bình luận công khai từ một số quan chức cho thấy nội bộ Fed đang bất đồng quan điểm với nhau.
Đầu tuần này, ông John Williams - Chủ tịch Fed chi nhánh New York và ông Partrick Harker - Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia hàm ý rằng họ thấy chu kỳ tăng lãi suất đã sắp đến hồi kết.
Tuy nhiên, Thống đốc Michelle Bowman cho biết bà kỳ vọng Fed sẽ còn tăng lãi suất thêm vài lần nữa. Thống đốc Christopher Waller cũng đưa ra bình luận tương tự.
Bất luận Fed có quyết định tăng lãi suất bổ sung hay không, hầu như tất cả các quan chức đều nhất trí rằng lãi suất cần phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Cho đến nay, lãi suất cao vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế. GDP của Mỹ đã tăng lần lượt 2% và 2,4% trong hai quý đầu năm nay và Fed chi nhánh Atlanta dự đoán tăng trưởng quý III sẽ đạt 4,1%.
Trong khi đó, tăng trưởng việc làm đã chững lại nhưng vẫn khá ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất kể từ cuối năm 1969.
Người tiêu dùng đã bắt đầu thấy căng thẳng hơn một chút và đang dần chuyển sang dùng thẻ tín dụng và tiền tiết kiệm để chi tiêu. Dữ liệu từ Fed chi nhánh New York chỉ ra, tổng dư nợ thẻ tín dụng đã vượt 1.000 tỷ USD lần đầu tiên trong năm nay.
Dù vậy, nhiều nhà kinh tế đã bắt đầu hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được suy thoái bất chấp chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Bank of America, Goldma Sachs và JPMorgan Chase gần đây đều cho biết khả năng suy thoái đã giảm bớt.