|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiền lương của người Mỹ tăng cao hơn dự kiến, cựu Bộ trưởng Tài chính lo áp lực lạm phát phình to trở lại

16:25 | 05/08/2023
Chia sẻ
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết dù khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế đã lớn hơn trước, mối lo ngại hiện nay của ông là nguy cơ lạm phát gia tăng trở lại.

Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ và hiện là giáo sư Đại học Harvard. (Ảnh: New York Times).

Rủi ro lạm phát tăng trở lại

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Bloomberg, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã bày tỏ lo ngại rằng lạm phát có nguy cơ sẽ tăng trở lại.

Ông nói: “Tôi không nghĩ là chúng ta có thể tự tin rằng lạm phát sẽ không tăng trở lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Mối lo của tôi ngay lúc này chính là như vậy”.

Vị cựu bộ trưởng đưa ra nhận định trên ngay sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7. Báo cáo cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng thấp hơn dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm và thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tăng cao hơn ước tính.

Cụ thể, trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 187.000 việc làm, thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế Dow Jones là 200.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,6% xuống còn 3,5%. Tiền lương tăng 0,4% so với tháng 6 và 4,4% so với cùng kỳ - cao hơn dự báo tương ứng là 0,2% và 4,2%.

Ông Summers nhấn mạnh rằng diễn biến của tiền lương hiện không đồng bộ với mục tiêu lạm phát 2%. Khi tính toán bằng tốc độ chuẩn hoá theo năm, ông cho biết mức tăng của tiền lương phải gần 5%.

 

Theo vị giáo sư Đại học Harvard, khi xem xét thêm các xu hướng tiền lương và năng suất, dữ liệu “cho thấy tỷ lệ lạm phát đang trong khoảng 3,5% và có thể áp lực giá không hề đi xuống”.

Theo các báo cáo mới từ chính phủ Mỹ, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đạt 3%. Nếu không tính giá lương thực và thực phẩm dễ biến động, lạm phát lõi là 4,8%.

Trong khi đó, lạm phát tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đạt 3% vào tháng 6. Lạm phát lõi là 4,1%.

Dù vậy, ông Summers cho hay: “So với dự đoán của tôi, số liệu lạm phát những tháng qua đã tốt lên”. Vị giáo sư cũng lưu ý rằng có vẻ khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế đã lớn hơn trước.

 

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng “vẫn còn quá sớm để một số người tuyên bố chiến thắng [trước lạm phát]”.

Theo Bloomberg, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã khen ngợi các nhà hoạch định chính sách của Fed vì họ vẫn “sẵn sàng hành động” sau 16 tháng tăng lãi suất. Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất 11 lần, đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%.

“Tôi rất vui vì Fed không nằm trong số những người đang tuyên bố thắng lợi”, ông nhấn mạnh.

Thách thức về ngân sách

Về khía cạnh tài khoá của Mỹ, ông Summers cho rằng các công ty xếp hạng tín dụng thường đi sau thị trường tài chính trong việc đánh giá chất lượng tín dụng. Do đó, việc Fitch Ratings hạ xếp hạng của Mỹ từ bậc AAA xuống AA+ có thể không quá đáng ngại.

Song, ông lại bày tỏ lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong dài hạn. Theo vị cựu bộ trưởng, ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) có thể vẫn còn hơi lạc quan.

CBO dự đoán thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tương đương 6,4% GDP vào năm 2033. Nhưng ông Summers cho rằng con số đó phải “gần 10%” trong 8 đến 10 năm tới.

 

Theo ông, cần phải có một vài rủi ro và nguy cơ khủng hoảng thì Washington mới bắt tay vào giải quyết những thách thức trong việc kiềm chế vay nợ. Ông bày tỏ: “...sợ hãi đôi khi là động lực [để người ta hành động]”.

Ông Summers cũng nhấn mạnh rằng các dự báo kinh tế dài hạn có thể không thực sự chắc chắn. Quan trọng là chính phủ cần phải nghiên cứu vấn đề và xây dựng “vốn trí tuệ” để “nếu kịch bản đó thành hiện thực, chúng ta có thể phản ứng nhanh hơn”, ông gợi ý.

Tuần này, ông Summers đang tham dự một hội nghị kinh tế ở Aspen, Colorado. Tại đây, hai người tiền nhiệm của ông tại Bộ Tài chính là Hank Paulson và Timothy Geithner cũng đã thúc giục Mỹ chấn chỉnh tình trạng vay nợ trước khi bài toán này trở nên khó giải quyết hơn.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.