Chứng khoán lo kép: Tiền ngoại rút, vốn nội bẻ hướng sang vàng, bất động sản
Diễn biến giao dịch trong hai tháng gần đây cho thấy thị trường chứng khoán ở trạng thái “ru ngủ” với thanh khoản èo uột. Nhiều phiên giao dịch buổi sáng ghi nhận giá trị giao dịch giảm sâu dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Sự nhộn nhịp thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn buổi chiều và đi kèm biến động mạnh.
Nếu như trong quý II, thị trường liên tiếp chứng khiến những phiên giao dịch quy mô tỷ USD. Sang tới quý III, mức thanh khoản này hiếm gặp.
Thống kê trên sàn HOSE trong một tháng qua, giá trị giao dịch bình quân 1 tháng gần 15.400 tỷ đồng, giảm xuống còn 14.433 tỷ đồng nếu xét trong khung thời gian hai tuần. Ước tính trong 5 phiên gần đây, mức bình quân tiếp tục thu hẹp còn 13.770 tỷ đồng. Xu hướng diễn ra tương tự trên sàn HNX và thị trường UPCoM.
Xu hướng dòng tiền trên thị trường chứng khoán ngày càng teo tóp. Nhà đầu tư nội giảm vị thế, thu hẹp tỷ trọng cấu trúc thanh khoản trong khi khối ngoại vẫn chưa ngừng trạng thái trong nhịp rút ròng kỷ lục. Kịch bản này đặt thị trường chứng khoán Việt Nam vào nỗi lo kép khi tiền ngoại chưa ngừng chảy ra và tiền nội ngày càng suy yếu dần.
Trong khi hai kênh đầu tư truyền thống là bất động sản và vàng khá sôi động. Minh chứng là vàng liên tiếp thiết lập vùng giá mới trên vùng đỉnh lịch sử. Còn với thị trường bất động sản, đặc biệt khu vực Hà Nội và các địa phương vùng ven, hiện tượng sốt nóng xuất hiện trên nhiều sản phẩm như chung cư, đất đấu giá, thổ cư, nhà phố…
Trước diễn biến trên, dòng tiền càng trở nên thận trọng hơn khi chứng khoán liên tục trồi sụt quanh ngưỡng 1.300 điểm. Việc giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư và nhân viên môi giới phản ánh là khá khó khăn, không còn “mua là thắng” như trong hai quý đầu năm. Hệ quả là, doanh thu mảng môi giới của hầu hết công ty chứng khoán lớn đều sụt giảm với tỷ lệ hai con số trong quý III.
Dấu hiệu dòng tiền chuyển từ kênh chứng khoán sang kênh đầu tư khác khi gặp khó có phần rõ nét hơn. Theo góc nhìn của một công ty quản lý quỹ lớn, dòng tiền đổ mạnh sang bất động sản đẩy khối lượng giao dịch địa ốc trong 9 tháng đầu năm tăng 35% so với cùng kỳ.
Dòng tiền lớn rót vào sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực tại Hà Nội. Cùng quan điểm, nhà quản lý quỹ đến từ SGI Capital cho rằng bất động sản nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội.
“Thanh khoản của thị trường chứng khoán bởi vậy khó cải thiện nếu thiếu dòng tiền ngoại mua ròng mạnh. Trong chu kỳ 2010 – 2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cũng đồng thời với giai đoạn thanh khoản của thị trường chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng”, báo cáo của SGI Capital nêu.
Thanh khoản cạn kiệt cộng với việc khan hiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn khiến kênh đầu tư chứng khoán càng trở nên khó khăn hơn trong việc thu hút dòng tiền mới.
Lý giải thêm về xu hướng của dòng tiền nội và ngoại, trong chương trình VTV Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, VN-Index nhiều lần tiệm cận vùng 1.300 điểm và chưa thành công có lẽ đã khiến dòng tiền nội chững lại.
“Dòng tiền ngoại bán ròng mạnh mẽ nhất là giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua và lực đỡ đến từ dòng tiền nội. Do vậy, trong ngắn hạn, dòng tiền nội vẫn đóng vai trò chính yếu, dòng tiền ngoại chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10% đến tối đa 15%”, chuyên gia từ VPBankS lập luận về vai trò của dòng tiền nội.
Một thông tin thú vị được ông Trần Hoàng Sơn đưa ra, câu chuyện về margin tiếp tục cho thấy dòng tiền nội đã phần nào đó sử dụng nguồn vốn ký quỹ để hấp thụ lực bán của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một luận điểm thứ hai cho thấy dòng tiền nội có phần yếu đi.
Chưa hết, theo chuyên gia từ VPBankS, cuối năm nay và đầu năm sau, thị trường chú ý đến chi tiết nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các công ty, trong đó có nhóm bất động sản. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường nói riêng và tâm lý thị trường nói chung.
Để kích hoạt dòng tiền nội trở lại thị trường chứng khoán, “nút thắt” 1.300 điểm được hóa giải có thể là chìa khóa. Trong thời gian vừa qua, dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua vùng 1.300 điểm. Gần đây, nhóm ngân hàng bắt đầu chững lại khiến thị trường chậm lại, do đó nhà đầu tư cần xây dựng kịch bản thận trọng hơn.
“Theo dữ liệu của chúng tôi thì thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu giảm sang tháng thứ 3 liên tiếp. Thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng”, ông Trần Hoàng Sơn nói.