|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia nói về ba câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025

10:27 | 11/11/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, tín dụng, NIM và chất lượng tài sản là ba yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngành ngân hàng trong năm 2025.

 Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán MB. (Ảnh: VietnamBiz).

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề "Khai thông & Bứt phá", các chuyên gia phân tích đã cùng chia sẻ về triển vọng ngành ngân hàng 2025 với nhiều góc nhìn khác nhau.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra ba câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm: Tín dụng, biên lãi thuần (NIM) và chất lượng tài sản.

Thứ nhất là tín dụng. Bà Khánh Hiền cho biết năm sau với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8% thì tín dụng dự kiến tăng trưởng 16-17%, nhưng tín dụng sẽ có phân hóa giữa các ngân hàng, điều này đã được thể hiện rõ trong 9 tháng đầu năm 2024. Tín dụng năm 2025 sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố, gồm cho vay bất động sản cao và hưởng lợi từ giải ngân đầu tư công.

Câu chuyện thứ hai là NIM của ngân hàng đang có xu hướng đi xuống đạt khoảng 4,5% nhưng vẫn cao hơn so với một số thị trường xung quanh như Thái Lan NIM chỉ 3%, Singapore khoảng hơn 2%. Theo bà, lãi suất đầu vào có xu hướng đi ngang, nhưng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm. Do đó, ngân hàng nào giải quyết được bài toán đầu vào – đầu ra sẽ có khả năng sinh lợi nhuận cao.

Thứ ba là câu chuyện chất lượng tài sản. Theo chuyên gia MBS, nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đã tăng lên 2,6% vào cuối quý III, nợ nhóm 2 cũng có xu hướng tăng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng là vấn đề đáng quan ngại. Do đó năm 2025 thay vì chỉ nhìn vào thu nhập, nhà đầu tư cũng nên nhìn vào ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt hơn. 

 Nguồn: MBS.

Còn theo phân tích của bà Nguyễn Thị Phương Lam,Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong quý III năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng so với nền thấp quý III/2023. Đóng góp tích cực vào kết quả này là tín dụng trong khi NIM toàn ngành lại giảm so với các quý liền trước, chỉ có NIM tại một số ngân hàng nhỏ được cải thiện.

"NIM suy giảm cho thấy khả năng hấp thụ của nền kinh tế đang yếu. Chi phí vốn của ngân hàng gần như đã tạo đáy, khó giảm tiếp. Lãi suất cho vay bình quân đến nay đã giảm sâu dẫn đến NIM suy giảm và dự kiến vẫn duy trì xu hướng này trong quý IV, đây là điểm trừ cho tăng trưởng ngành", bà Lam cho hay.

 Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt. (Ảnh: VietnamBiz).

Về chất lượng tài sản, chuyên gia VDSC cho biết tỷ lệ nợ xấu cuối quý III duy trì ở mức 2,2%, vẫn cao nhưng có xu hướng tạo đỉnh. Tỷ lệ nợ nhóm 2 đã đạt đỉnh trong quý II và III, hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ giảm vào cuối năm nay. 

Tổng quan, VDSC dự phóng lợi nhuận trước thuế 2024 ngành ngân hàng tăng 14%, khi NIM chưa thể cải thiện. Năm 2025, kỳ vọng ngành sẽ tăng trưởng, đến từ tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng trong khi NIM tiếp tục đi ngang.

 

Nhận định về định giá nhóm ngành ngân hàng trên thị trường chứng khoán, bà Lam cho rằng sau giai đoạn tái cấu trúc, ROE của ngành đã thay đổi, P/B đã nhích nhẹ và hiện đang dao động ở dưới độ lệch chuẩn.

"Định giá P/B của ngành ngân hàng khoảng 1,5 lần, rẻ hơn so với trung bình 5 năm 1,8 - 1,9 lần", ông Trần Văn Thảo,Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), cho hay.

Ông Đào Hồng Dương,Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằngquan ngại về chất lượng tài sản đã phản ánh vào định giá của nhóm ngành ngân hàng rồi. 

Đồng thời, Mức P/B của ngành ngân hàng thấp hơn trung bình 10 năm là hấp dẫn, điều này cũng đã phản ánh quan ngại trên. "Cho nên khi môi trường kinh doanh được cải thiện thì ngành ngân hàng rất triển vọng cho tăng trưởng", ông nói.

H.T

NHNN tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, lãi suất VND dưới 6 tháng tối đa 4,75%/năm
Ngày 1/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định quy định về lãi suất tiền gửi VND và USD. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2024.