|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời giải bài toán: Giao dịch qua quỹ nhàn, lãi nhiều hơn VN-Index nhưng tại sao phát triển chưa nhanh?

17:30 | 10/11/2024
Chia sẻ
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển ngành quản lý quỹ nhưng dữ liệu về tài sản thuộc quyền quản lý (AuM) của các tổ chức trên GDP vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.

Thực trạng đầu tư qua quỹ ở Việt Nam

Thực trạng nhà đầu tư còn chưa biết đến một cách rộng rãi sản phẩm đầu tư thông qua tổ chức tại Việt Nam và giải pháp để tháo gỡ vấn đề này là chủ đề được các chuyên gia hàng đầu thị trường bàn luận sôi nổi tại phiên thứ ba của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 tổ chức ngày 8/11. Diễn giả tham gia phiên thảo luận đều là những người đang trực tiếp tham gia điều hành tại các công ty quản lý quỹ lớn hiện nay.

Trước tiên, điểm qua về sản phẩm, trong 5 năm qua, các công ty quản lý quỹ đang không ngừng phát triển, tạo ra rổ hàng hóa đa dạng. Trong đó có thể kể đến như quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên những rổ chỉ số như VN30, VN100, VNFin Lead, VN Dimond, VNMidcap; quỹ mở đầu tư cổ phiếu, quỹ mở đầu tư trái phiếu, quỹ cân bằng (kết hợp cả đầu tư cổ phiếu và trái phiếu).

Sự đa dạng này xuất phát từ việc nhiều đơn vị phát triển sản phẩm hơn như Dragon Capital, VinaCapital, SSIAM, VCBF, TCBF. Song song với đó, thị trường phát triển những tổ chức trung gian đóng vai trò đại lý cung cấp nền tảng giao dịch sản phẩm đầu tư qua quỹ như Fincorp (Fmarket), Finhay…

Giống như giao dịch cổ phiếu, việc các đơn vị ứng dụng sâu công nghệ vào hoạt động giao dịch, phân phối… khiến nhà đầu tư dễ tiếp cận và mua bán khá đơn giản. Có thể nói giao dịch chứng chỉ quỹ là một công việc khá nhàn do nhà đầu tư không phải sử dụng nhiều công cụ phân tích như doanh nghiệp, vĩ mô, ngành và không tốn nhiều thời gian “bám bảng điện”.

 Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. Ảnh: BTC.

“Ở góc độ nhà đầu tư, chỉ với 100 triệu đồng số tiền nhỏ, nhà đầu tư muốn phân bổ vào kênh đầu tư cổ phiếu phải đánh giá triển vọng, vĩ mô. Đâu đó giải ngân 1, 2 cùng lắm 3 mã. Tuy nhiên không hề dễ để đánh giá các mã cổ phiếu này. Vẫn tồn tại rủi ro liên quan đến doanh nghiệp, đôi khi cổ phiếu mất thanh khoản. 

Do đó, chỉ với 100 triệu chúng ta có thể mua chứng chỉ quỹ. Khi một vấn đề xảy ra một công ty nào đó, danh mục quỹ của nhà đầu tư ảnh hưởng không hề lớn, đặc biệt đối với quỹ mở chủ động có thể có mức lợi nhuận cao hơn thị trường”, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư SSIAM nói về sự tiện lợi của việc đầu tư qua quỹ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025.

 Hiệu suất tính từ đầu năm của một số quỹ tới ngày 8/11. Nguồn: Thống kê từ nền tảng Fmarket.

Khi tham gia đầu tư, mục tiêu tiên quyết của nhà đầu tư là lợi nhuận. Thống kê trong những năm qua cho thấy, trong bối cảnh VN-Index khởi sắc hay lình xình, nhiều chứng chỉ quỹ trên thị trường vẫn cho hiệu suất vượt trội thị trường chung giống như thực trạng đại diện SSIAM vừa chia sẻ.

Minh chứng trong hơn 10 tháng đầu năm nay, VN-Index nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm. Tính từ đầu năm đến phiên 8/11, VN-Index tăng khoảng 10,7%. Mặc dù chỉ số đạt mức hiệu suất hai con số nhưng việc thị trường luân phiên đảo nhóm dòng tiền giữa các ngành và sự tăng trưởng chủ yếu đến từ một nhóm cổ phiếu khiến nhà đầu tư không mấy dễ dàng để có thể chiến thắng chỉ số. Thanh khoản cạn kiệt gần đây, tăng trưởng margin quý III chững lại là dấu hiệu xuất phát từ việc nhà đầu tư thua lỗ, tạo tâm lý chán nản.

Đối lập với trạng thái trên, không ít chứng chỉ quỹ mở có hiệu suất vượt trội. Thống kê từ Fmarket tính tới ngày 8/11, thị trường có 24 chứng chỉ quỹ mở có hiệu suất cao hơn VN-Index, trong đó có 19 quỹ mở cổ phiếu và 5 quỹ cân bằng.

Cụ thể, dẫn chứng dữ liệu từ Fmarket, ba quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường là VMEEF (VinaCapital) với 32%, SSISCA (SSIAM) đạt (29,6%), VLGF (SSIAM) đạt 26,9%. Các quỹ khác có hiệu suất trên 20% có VCBF-BCF, DCDS, VEOF, VCBF-MGF, MAGEF, BVPF. Như vậy, việc tìm kiếm những quỹ đầu tư có hiệu suất cao hơn VN-Index thậm chí gấp đôi chỉ số là không mấy khó khăn.

Ông Ngô Thế Triệu, CEO kiêm CIO Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (Eastspring Vietnam). Ảnh: BTC.

Vì sao ngành quản lý quỹ ở Việt Nam chưa phát triển mạnh?

Song, như thực trạng nêu đầu bài viết, tại sao hoạt động đầu tư qua chứng chỉ quỹ ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến với số đông, chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường?

Bàn luận về vấn đề này tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, ông Ngô Thế Triệu, CEO kiêm CIO Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (Eastspring Vietnam) cho biết, quản lý quỹ tồn tại rất dài cùng thị trường chứng khoán, nhưng các công ty quản lý quỹ mới chỉ phát triển mạnh mẽ trong tầm 10 năm trở lại đây. Ngành được đánh giá còn non trẻ so với bề dày và kinh nghiệm của nhà đầu tư Việt Nam.

Để lĩnh vực này phát triển cần có thời gian để xây dựng niềm tin trong nhà đầu tư. Về mặt luật pháp, hiện có luật hóa để đảm bảo NĐT tin rằng khi đưa tiền cho công ty quản lý quỹ, khi muốn rút ra, công ty quản lý quỹ có thể bán tài sản và thu lại tiền cho NĐT.

“Tôi nghĩ thị trường cần có thời gian để NĐT cá nhân hiểu rằng công ty quản lý quỹ làm như thế nào và tích lũy lượng thành chất. Quá trình này đã diễn ra tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và tất cả các nước. Đến một lúc nào đấy sẽ thấy thị trường quản lý quỹ tăng trưởng rất mạnh, giống như chuyện xảy ra ở một loạt các nước như vậy. Ở Mỹ, số lượng nhà đầu tư trực tiếp trên thị trường chỉ trên khoảng 10%, còn lại 60 - 70% tiền của NĐT cá nhân thông qua các quỹ tương hỗ, hưu trí”, ông Ngô Thế Triệu nhận định.

Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư vẫn cần phải được xây dựng dựa trên nhiều khía cạnh, không chỉ là thời gian giống như nhiều thị trường khác trên thế giới. Đồng ý với quan điểm của ông Triệu, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc PVIAM cho rằng niềm tin phải xuất phát từ cả hai bên cung cầu.

Về phía cung, bản thân các công ty quản lý quỹ phải tự nâng cao năng lực, tạo ra nhiều sản phẩm. Phía cầu bao gồm hai yếu tố. Đối với các NĐT cá nhân, thứ nhất là vấn đề về tăng trưởng thu nhập của GDP bình quân đầu người. “Theo thống kê, nếu thu nhập tăng khoảng 5.000 USD, nhu cầu về tích sản tăng trưởng rất mạnh, dự báo đến năm 2025 chúng ta sẽ đạt được mức này. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản đó”, bà Trịnh Quỳnh Giao chỉ ra.

Thứ hai là kiến thức tài chính cho các NĐT cá nhân, cần phổ biến hơn kiến thức về tài chính. Về khía cạnh này, bà Giao cho rằng thị trường đang thiếu đội ngũ cố vấn tài chính. Để tư vấn cho NĐT như thế nào để phù hợp với khẩu vị, phù hợp mục tiêu tài chính thì cần đội ngũ cố vấn tài chính.

“Việt Nam thì phần này chưa phát triển lắm, cũng chưa có quy định rõ ràng. Như cuộc khủng hoảng năm 2022 cũng một phần đến từ chuyện này. Việc tư vấn cho NĐT cá nhân mua trái phiếu tại các ngân hàng không được quản lý, nhân viên ngân hàng không có chứng chỉ hành nghề, không có kiến thức. Bản thân ngân hàng không có quy trình để đảm bảo việc tư vấn cho khách hàng thế có phù hợp hay không. Vì thế, tôi nghĩ thị trường cần có sự điều chỉnh kênh phân phối, đội ngũ tư vấn tài chính”, bà Giao phân tích sâu hơn về thực trạng thị trường tại diễn đàn.

Động lực giúp ngành quản lý phát triển trong 3 – 5 năm tới

Với nền tảng như hiện nay, ông Triệu dự báo nhu cầu quản lý quỹ thông qua một công ty khác để quản lý tài sản một cách chuyên nghiệp sẽ tăng cao.

Theo CEO Quản lý Quỹ Eastspring Investments, hiện tỷ lệ NĐT cá nhân tham gia thị trường là rất lớn. Trong đợt sóng lên, sóng xuống vừa rồi trên thị trường chứng khoán hoặc biến động trên thị trường trái phiếu, rất nhiều NĐT cá nhân bị kẹt lại bởi không có đủ kiến thức chuyên môn. “Đó là điều rất đáng tiếc”, ông Triệu nhấn mạnh.

Trong tương lai, trong đà tăng trưởng chung của thị trường với những yếu tố về mặt cung hàng tăng lên, hàng hóa chất lượng nhiều hơn, sản phẩm tài chính mở hơn, tạo dựng sân chơi cho NĐT nước ngoài tham gia, cũng như có thể có nhiều sản phẩm như sản phẩm về hưu trí, đó là những yếu tố NĐT có thể cảm thấy rằng đầu tư qua quỹ chuyên nghiệp chủ động sẽ cao hơn, ông Triệu phân tích.

 Ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư SSIAM. Ảnh: BTC.

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư SSIAM, ngành quản lý quỹ có thể bứt phá trong 3 – 5 năm tới dựa trên ba yếu tố.

Thứ nhất, khi thị trường chứng khoán sôi động lên, kéo theo sự tham gia của người dân đối với kênh đầu tư chứng khoán, khi đó sản phẩm quỹ sẽ tăng theo. 

Yếu tố thứ hai, Việt Nam có số lượng người giàu tầng lớp trung lưu, triệu phú tăng lên rất nhanh. “Theo tôi, đây cũng là một động lực rất quan trọng. Đối với những người giàu có, họ quan tâm đến vấn đề làm sao để bảo toàn và gia tăng tài sản trong dài hạn, do đó tự đầu tư rất khó. Do đó, việc sử dụng một dịch vụ chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ là xu hướng tất yếu”, Giám đốc Đầu tư của SSIAM lập luận.

Yếu tố thứ ba liên quan đến giới trẻ, đến công nghệ. Đây là yếu tố khách quan giúp ngành quản lý quỹ tích cực trong thời gian tới, mở rộng tệp khách hàng lớn hơn.

Các nhà đầu tư trẻ dưới 30 tuổi, không ngại thử những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đang rất lớn, thủ tục giao dịch, rút tiền nhanh gọn. Mặc dù với số tiền nhỏ, có thể tiết kiệm thông qua uỷ thác qua các quỹ chuyên nghiệp sẽ tác động đến sự tích cực của thị trường trong thời gian tới”, ông Nguyễn Bá Huy nêu dẫn chứng.

Lợi Hoàng

Bitcoin tăng dựng đứng, liệu nhà đầu tư có gặp ‘cái kết tồi tệ’ như lời cảnh báo của Warren Buffett?
Giá bitcoin đang tiệm cận mốc 90.000 USD, còn Warren Buffett nói ông sẽ không mua lại toàn bộ bitcoin trên thế giới dù chỉ cần trả 25 USD.