Vì sao chuyên gia VPBankS đánh giá tiềm năng với cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ trong năm 2025?
Thứ nhất, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Đào Hồng Dương lựa chọn bởi tốc độ tăng trưởng về quy mô, tín dụng và kỳ vọng về sự phục hồi của ngành bất động sản. Việc ngân hàng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu vốn hóa với tỷ lệ 37 – 46% cũng là một luận điểm đầu tư khi vị chuyên gia này đánh giá tích cực về triển vọng thị trường chung trong nắm tới.
Về mặt định giá, cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch với mức P/B thấp hơn bình quân 10 năm, đây là mức hấp dẫn. Lý do cổ phiếu ngân hàng giao dịch ở vùng định giá thấp một phần do lo ngại về chất lượng tài sản.
Song, chuyên gia VPBankS nhận định việc quan ngại về chất lượng tài sản đã phản ánh vào định giá, cho nên khi môi trường kinh doanh được cải thiện, ngành ngân hàng được đánh giá triển vọng tăng trưởng năm tới.
Ngành thứ hai được dự báo khả quan là chứng khoán mặc dù vốn hóa của ngành này tương đối nhỏ trong cơ cấu chung của thị trường.
Theo ông Dương, theo dõi trong 3 năm trở lại đây, mặc dù thanh khoản của ngành chứng khoán mặc dù có lúc sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng đều. Lý do trong cấu phần hoạt động của các công ty chứng khoán niêm yết, tỷ trọng từ tài sản đầu tư, cổ phiếu niêm yết… rất ít, thay vào đó là tài sản có thu nhập cố định (fixed income), tài sản từ kinh doanh nguồn vốn cộng với hoạt động margin. Những loại tài sản tài sản tài chính này mang lại dòng thu nhập rất ổn định và không phụ thuộc vào vấn đề lên xuống của thị trường.
Khi lựa chọn cổ phiếu chứng khoán, ngoài chất lượng tài sản của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể quan sát chất lượng quản trị rủi ro của các công ty. Mặt khác là các dịch vụ ngoài dịch vụ môi giới.
“Nếu nhìn sang năm 2023, thanh khoản của sàn HOSE chỉ đạt khoảng 16.000 tỷ, biên lợi nhuận của ngành chứng khoán tăng rất mạnh. Đây có thể là điểm hòa vốn, bù đắp chi phí cố định của hoạt động môi giới. Do đó, tôi đánh giá ngành chứng khoán rất kỳ vọng”, ông Dương nói.
Nhóm ngành thứ tư được vị chuyên gia từ VPBankS đề cập tới với góc nhìn khả quan là bất động sản. Theo ông Dương, số liệu 9 tháng đầu năm 2024, ngành bất sản khu công nghiệp và dân dụng đều đang tiêu cực, lợi nhuận sụt giảm tạo mức nền rất thấp rồi.
Tuy nhiên, có sự phân hóa về tình hình tài chính giữa các chủ đầu tư, tồn kho bắt đầu tăng, vay nợ ngắn hạn của doanh nghiệp tăng, các doanh nghiệp đang triển khai lại và bán hàng tại các dự án. Tín hiệu trên có thể không tạo ra bức tranh thay đổi tổng thể lớn nhưng chắc chắn ngành bất động sản sẽ có sự phục hồi tốt trong năm 2025, chuyên gia VPBankS phân tích.
Cuối cùng, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu của Chứng khoán VPBankS cho biết đánh giá cao cổ phiếu bán lẻ năm tới với hai động lực phục hồi chính.
Thứ nhất là sự phục hồi về tiêu dùng mặt hàng thiết yếu. Thứ hai, sự phục hồi quan trọng hơn là kỳ vọng trong năm 2025 với sức cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng mạnh, các mặt hàng không thiết yếu cũng tăng trưởng hơn và tổng chi tiêu cho các sản phẩm bao gồm thiết yếu, không thiết yếu, thuốc cũng sẽ tăng.
Với luận điểm trêm, ông Đào Hồng Dương dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi, kéo dài hai năm liên tiếp.