Hé lộ một cổ phiếu ngân hàng được tự doanh ưa thích nhất
Trước tiên, cần phải nói rằng hoạt động tự doanh cổ phiếu không còn là trọng yếu, đặc biệt với nhóm công ty chứng khoán lớn. Tuy nhiên, ở mô hình vừa và nhỏ, tự doanh cổ phiếu vẫn được xem như nghiệp vụ cốt lõi, được nhiều ông chủ xác định như chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Do đó, giao dịch của khối tự doanh trên thị trường vẫn khá nhộn nhịp và được cộng đồng nhà đầu tư theo dõi như “dấu chân của người khổng lồ”. Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán kể từ đầu năm tới ngày 20/10 cho thấy trạng thái giao dịch phân hóa ở nhóm ngân hàng. Tổng giá trị bán ròng cổ phiếu ngân hàng là hơn 1.600 tỷ đồng.
Song, một số mã được mua vào mạnh trong khi số khác bị bán ra. Cụ thể, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu trạng thái mua ròng với giá trị 1.220 tỷ đồng. Theo sau đó, khối tự doanh mua vào các cổ phiếu như EIB (353 tỷ đồng), VIB (253 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, MBB bị bán ròng 676 tỷ đồng, kế đến là ACB (668 tỷ đồng), TCB (521 tỷ đồng), STB (463 tỷ đồng), HDB (282 tỷ đồng).
Với việc được khối tự doanh mua ròng hàng nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm nay, VPB xuất hiện trong danh mục đầu tư của nhiều công ty chứng khoán lớn trên thị trường.
Tại ngày 30/9, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đang nắm giữ lượng cổ phiếu VPB có giá thị trường gần 900 tỷ đồng, giá gốc của khoản đầu tư này là 854,3 tỷ đồng, tức công ty đang lãi khoảng 5%. So với các mã khác trong danh mục như HPG, TCB và VHM, giá trị đầu tư vào VPB vượt trội hơn đáng kể khi chiếm gần một nửa giá trị tự doanh cổ phiếu của SSI.
Ngoài ra, SSI còn nắm giữ hàng chục tỷ đồng cổ phiếu VPB với mục đích phòng ngừa rủi ro của chứng quyền.
So sánh với các công ty chứng khoán khác, SSI đang là đơn vị rót vốn mạnh tay nhất vào VPB. Giá trị khoản đầu tư cổ phiếu này nhích nhẹ trong quý II (từ 831,2 tỷ đồng lên 854,3 tỷ đồng). Tính chung cho cả 9 tháng vừa qua, giá gốc khoản đầu tư vào VPB của SSI tăng thêm gần 470 tỷ đồng.
Đối lập với SSI, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) giảm nhẹ khoản đầu tư vào VPB từ 457,8 tỷ đồng xuống còn 448 tỷ đồng trong quý III. Tuy vậy, VPB vẫn là cổ phiếu được công ty chứng khoán của chủ tịch Phạm Minh Hương ưa thích nhất trong danh mục, nhỉnh hơn khoản tiền gần 380 tỷ đồng được rót vốn vào HSG của Hoa Sen.
Theo dõi hoạt động của VNDirect cho thấy công ty mạnh tay giải ngân vào VPB trong các quý của năm ngoái. Sang năm tài chính 2024, công ty gần như giữ nguyên vị thế với mã này, những nhịp lướt sóng ngắn hạn được thực hiện với khối lượng nhỏ.
Cùng trong năm 2023, một công ty chứng khoán lớn có chiến lược tập trung cho hoạt động tự doanh là Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội liên tục giải ngân vào VPB với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng và nắm giữ cho đến thời điểm hiện tại. Trong số 4 cổ phiếu được thuyết minh chi tiết, VPB đang là khoản đầu tư được SHS rót vốn nhiều nhất, thậm chí vượt số tiền 275,2 tỷ đồng phân bổ vào SHB.
Với danh mục đầu tư cổ phiếu gần 1.800 tỷ đồng, Chứng khoán HSC (mã: HCM) đang phân bổ 83 tỷ đồng vào cổ phiếu VPB. Giá trị đầu tư vào mã này đã gấp đôi sau 9 tháng. Ngoài ra, HSC còn đang nắm giữ 42,3 tỷ đồng mã VPB làm tài sản cơ sở cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền.
Tương đương với mức đầu tư của HSC, Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS) đang có khoản đầu tư vào VPB với giá vốn gần 90 tỷ đồng. Ngoài VPB, công ty đang nắm giữ lượng lớn cổ phần của Eximbank.
Trở lại với VPB, ngoài những công ty chứng khoán lớn vừa kể trên, cổ phiếu của nhà băng này còn nằm trong danh mục tự doanh của nhiều đơn vị khác với quy mô nắm giữ từ vài chục nghìn đến hàng triệu đơn vị.
Về diễn biến giá cổ phiếu cho thấy mã VPB giao dịch tích cực theo xu hướng chung của nhóm ngân hàng trong thời gian gần đây. Trong một tháng trở lại, mã này tăng giá khoảng 15% từ vùng 18.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch lớn đẩy VPB bứt khỏi vùng lình xình 17.500 – 19.000 đồng/cp được thiết lập trước đó. Đóng cửa phiên 21/10, cổ phiếu VPB dừng ở mức giá 20.650 đồng/cp. Đây là vùng giá cao nhất kể từ tháng 5/2022.