|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch VITAS: Dệt may Việt Nam có sức hút lớn với nhà đầu tư châu Âu

16:56 | 16/09/2020
Chia sẻ
Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc mà sự dịch chuyển đầu tư vào dệt may Việt Nam còn đến từ các nước như Italy, Đức và thậm chí là của nước Nga.

Việc kiểm soát thành công dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến của nhiều dòng vốn ngoại sau đại dịch COVID-19, đặc biệt vào những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may.

Nhận định về sự đổ bộ của các nước qua Việt Nam sau dịch bệnh, chia sẻ với người viết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng đây là xu thế tất yếu và là xu thế của thị trường thay đổi.

"Trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những "cường quốc" dệt may hàng đầu thế giới. Bây giờ các nước và vùng lãnh thổ này đang giảm dần sản xuất. Do đó, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác là điều tất yếu", ông Giang phân tích.

Theo đại diện VITAS, nếu dịch bệnh không xảy ra các doanh nghiệp nước ngoài này cũng dịch chuyển và COVID-19 càng thúc đẩy việc dịch chuyển nhanh hơn. Việt Nam là một thị trường có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này.

"Trên thực tế sự dịch chuyển này đã xảy ra. Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc mà sự dịch chuyển này còn đến từ các nước như Italy, Đức và thậm chí là của nước Nga xa xôi, điều mà những người làm trong ngành này trước đây không hề nghĩ tới", ông Giang nói.

Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam dẫn chứng các doanh nghiệp đến từ Italy đã nhanh chân rót vốn đầu tư tại cụm sản xuất qui mô lớn từ sợi - dệt - nhuộm - may ở huyện Phù Cát tỉnh Bình Định và dự án nhà máy dệt ở Khu công nghiệp Phố Nối (tỉnh Hưng Yên).

"Trước đây sự dịch chuyển đầu tư chủ yếu từ Hàn Quốc nhưng giờ đây Việt Nam đã thu hút tất cả các nhà máy sản xuất của các nhà đầu tư thuộc 5 nước có ngành sản xuất hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trong ngành dệt may các nước đã nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam", đại diện VITAS nhận định.

Dệt may các nước sẽ dịch chuyển nhanh vào Việt Nam sau đại dịch - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). (Ảnh: Như Huỳnh).

Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam cũng liên tiếp được triển khai.

Đơn cử như hồi tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Thời trang Fortunate Hong Kong Việt Nam cũng đã khởi công Dự án Nhà máy may mặc Fortunate Việt Nam tại Tây Ninh. Dự án chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang may mặc với qui mô 19,2 triệu sản phẩm/năm, trong đó chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 9,6 triệu sản phẩm/năm.

Ngoài ra, cuối tháng 5/2020, Công ty TNHH Texhong Dệt Kim (Hong Kong) được Ban Quản lí Khu kinh tế Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Dự án được triển khai trên diện tích đất rộng hơn 249.900 m2, với mục tiêu sản xuất vải dệt kim. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 4.979 tỉ đồng, tương đương 214 triệu USD. Dự án có nhu cầu sử dụng khoảng hơn 2.700 người lao động.

Tổng công suất thiết kế của dự án là 82.500 tấn (tương đương 375,0 triệu m2) vải dệt kim nhuộm/năm. Trong đó, giai đoạn 1 cung cấp khoảng 33.000 tấn (tương đương 150,0 triệu m2) vải dệt kim nhuộm/năm; giai đoạn 2 cung cấp thêm khoảng khoảng 49.500 tấn (tương đương 225,0 triệu m2) vải dệt kim nhuộm/năm.

Theo kế hoạch, cuối năm 2021, giai đoạn I của Dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn II sẽ được hoàn thiện và đi vào vận hành sau đó 20 tháng.

Đại diện Ban Quản lí Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, nhà đầu tư Công ty TNHH Texhong Dệt Kim thuộc Tập đoàn Texhong - một trong những nhà đầu tư chiến lược của Quảng Ninh. 

Trước đó, nhà đầu tư này đã đầu tư 2 dự án dệt là Texhong Hải Yên và Texhong Ngân Hà tại Quảng Ninh, với tổng quy mô 800.000 cọc sợi/năm, tổng năng lực sản xuất khoảng 400 tấn/năm với 1.200 cỗ máy dệt.

Một dự án khác của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) 100% vốn Trung Quốc được khởi công hồi tháng 2 năm nay là Dự án Nhà máy sản xuất sợi Brotex Khu C - giai đoạn IV tại Khu công nghiệp Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).

Trước khi khởi công dự án mới, cũng tại Khu công nghiệp Phước Đông, nhà đầu tư này đã đầu tư dự án 400 triệu USD, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn I có vốn đầu tư 100 triệu USD, đã xây dựng xong 2 nhà xưởng sản xuất, lắp đặt 100.000 cọc sợi, có 14 kho nguyên liệu và 2 nhà xưởng nhuộm, sản lượng ước tính 15.000 tấn sợi/năm.  

Giai đoạn II có vốn đầu tư 150 triệu USD, đang xây dựng 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi, với sản lượng ước tính đạt 30.000 tấn sợi/năm. Giai đoạn III có vốn đầu tư 150 triệu USD, gồm 4 nhà xưởng sản xuất và lắp đặt 200.000 cọc sợi.

Dệt may các nước sẽ dịch chuyển nhanh vào Việt Nam sau đại dịch - Ảnh 2.

Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc là những quốc gia có vốn đầu tư mạnh vào dệt may Việt Nam (Ảnh: Như Huỳnh).

Lãnh đạo VITAS cho rằng sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ dệt may Việt Nam gia tăng tỉ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỉ trọng nội địa hóa, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng nội địa từ 47 - 48% và với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì ngành có thể nâng lên đạt 67 - 68% trong thời gian tới.

Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất thoát khỏi làm gia công theo đơn đặt hàng. Theo ông Giang trên thực tế tỉ trọng doanh nghiệp trong ngành dệt may trong nước làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM...

"Dòng dịch chuyển đầu tư từ nay đến 2025 sẽ rất nhanh, nhất là khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực", ông Giang dự báo và cho rằng sự dịch chuyển dòng đầu tư này sẽ càng nhanh sau khi đại dịch được kiểm soát.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.