|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành

09:27 | 15/09/2020
Chia sẻ
Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may vẫn trong tình trạng "nhỏ giọt" trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến kết quả xuất khẩu năm nay được dự báo khó bằng được năm ngoái, mục tiêu 40 tỉ USD đặt ra trước đó khó hoàn thành.
Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành - Ảnh 1.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, bước sang quí III/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lí không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.

Bối cảnh này đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành hàng dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Báo cáo tài chính quí II/2020 của Tổng Công ty May Hưng Yên (Mã: HUG) cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty mẹ đạt 23,38 tỉ đồng, giảm 43,8% so với con số 41,66 tỉ đồng của cùng kì năm ngoái. 

Giải trình về điều này, HUG cho biết kết quả sản xuất ở một số công ty con, công ty liên kết của HUG trong 6 tháng đầu năm đã kém hơn so với cùng kì năm ngoái thậm chí lỗ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty giảm hơn 63% khi chỉ đạt hơn 19,8 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc HUG, cho biết, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các khách hàng có yêu cầu giảm giá đơn hàng, giảm lượng hàng sản xuất và dừng sản xuất, dừng giao hàng.

Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành - Ảnh 1.

Tương tự, kết thúc quí II/2020 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) thu về 120 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22% so với cùng kì năm 2019.

Giải trình về sự sụt giảm trong kết quả hoạt động kinh doanh quí II, ban lãnh đạo Vinatex cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngành dệt may nói chung cũng như Vinatex nói riêng.

Bên cạnh đó hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trong tập đoàn đều sụt giảm dẫn đến kết quả hợp nhất Vinatex không mấy khả quan.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinatex trong tháng 8 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn cho hay, do tác động của dịch COVID-19, tập đoàn đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn trong năm 2020. 

Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 14.641 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 382 tỉ đồng, giảm khoảng 50% so với năm 2019. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ tập đoàn ước đạt 1.328 tỉ đồng và 130 tỉ đồng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, phân tích hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể. 

Các khảo sát gần đây trên cả thị trường quốc tế (do Deloitte thực hiện) và trong nước do tập đoàn thực hiện đều cho chung một nhận định là ưu tiên về dược phẩm, thực phẩm và gửi tiền tiết kiệm là những ưu tiên hàng đầu của mọi người.

Quần áo tuy vẫn có vị trí thứ 4 trong danh mục ưu tiên nhưng sau tiết kiệm, do đó ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi,… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới.

Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn.

Đây cũng là nhận định của Bộ Công Thương khi cho biết niềm tin tiêu dùng các mặt hàng dệt may ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.

Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững lại.

"Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chỉ nhận thông tin đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50 - 60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng", Bộ Công Thương cho hay.

Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành - Ảnh 3.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 8 tháng đầu năm đạt khoảng 19 tỉ USD, con số này giảm 13,5% so với cùng kì 2019. Như vậy đã trải qua 3/4 thời gian của năm 2020, ngành dệt may mới chỉ hoàn thành khoảng 52,5% kế hoạch năm. Ngưỡng mục tiêu 40 tỉ USD khó có thể hoàn thành.

Với tình hình thị trường xuất khẩu dệt may suy giảm sâu, bất định và khó lường, khó dự đoán, Vinatex cho rằng trong những tháng cuối năm ngành hàng sẽ tiếp tục giảm khoảng từ 14 - 18% so với cùng kì năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho rằng đơn hàng cho quí IV ở các doanh nghiệp hầu như chưa có nhiều. Thay vì hướng đến mục tiêu hồi đầu năm đặt là là con số 42 tỉ USD, ông dự đoán kịch bản xuất khẩu ngành dệt may năm nay có thể giảm đến 20% so với kết quả năm 2019.

Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành - Ảnh 4.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

"Năm ngoái giá trị xuất khẩu của toàn ngành đạt 39 tỉ USD, năm nay ngành hàng đang phấn đầu đạt khoảng 32 tỉ USD, tức là giảm khoảng 20%. Và điều này vẫn được vọng khi tình hình xuất khẩu được phục hồi dần dần từ đây đến cuối năm", ông Hồng nhận định.

Theo đó, để có thể duy trì sản xuất và "giữ chân" người lao động, ông cho rằng toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa những tháng cuối năm. Đồng thời, hạ giá thành sản phẩm để kéo hàng từ những thị trường khác về, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, nhằm "hút" đơn hàng về nước.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết: "Thực tế một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có những khách hàng mà nhu cầu thị trường luôn luôn cần. Mặc dù có giảm ở những thương hiệu thời trang lớn nhưng theo quan sát của tôi thì thị trường nào cũng có đơn hàng dù không lớn, không thuận lợi lắm, giá cả không tốt lắm nhưng lai rai vẫn có".

Theo ông, các doanh nghiệp cần chia sẻ nhau các đơn hàng như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để giữ chân khách hàng hoặc có doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng mang tính thời trang cho nội địa với giá thấp, chấp nhận để có việc làm và giữ chân người lao động.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu.

Ông Vũ Đức Giang, Chỉ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay: "Khoảng hai tuần nay, các nhà máy sợi bắt đầu có tín hiệu cực kì tốt, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm mặc trong nhà tăng rất lớn, khẩu trang vải vẫn có thị phần nhất định, nhiều doanh nghiệp vẫn bán khẩu trang vải rất tốt".

Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển đổi tốt, bằng cách thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng giao dịch trực tuyến. 

Trước kia, doanh nghiệp thường phải kết nối thông qua trung gian thì nay đã triển khai kí hợp đồng trực tiếp với đối tác dựa trên nền tảng số, công nghệ thông tin để giúp giảm bớt khâu trung gian, kết nối nhanh chóng với đối tác hơn khi có thể chào giá, gửi hàng, thỏa thuận kí kết ngay trên mạng internet.

Điều này giúp doanh nghiệp không những tiết kiệm được thời gian, nâng cao uy tín mà còn giúp giá trị đơn hàng được nâng lên.

Dệt may mất tới 50% đơn hàng dù đang là mùa cao điểm, mục tiêu xuất khẩu khó thành - Ảnh 5.

 

Như Huỳnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.