|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 6 tháng cuối năm

10:04 | 03/08/2020
Chia sẻ
Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kì năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Doanh thu quí II giảm sâu vì COVID-19

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương cho biết sản xuất dệt tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%. 

Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng năm 2019. 

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỉ USD, giảm hơn 12%; vải mạnh, vải kĩ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm gần 21% so với cùng năm 2019.

Có thể thấy, với ngành dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, trong quí I/2020, tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quí I/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quí II/2020.

Theo báo cáo tài chính quí II/2020 của Tập đoàn dệt may Việt Nam (VGT) cho biết doanh thu quí II của Tập đoàn đạt 3.082 tỉ đồng, giảm gần 35% so với mức doanh thu 4.734 tỉ đồng của cùng kì năm trước; lợi nhuận sau thuế 120,103 tỉ đồng, giảm 36,2%.

Hay với Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG (Mã: TNG), doanh thu quí II của doanh nghiệp cũng sụt giảm 14%, đạt 1.066 tỉ đồng. Nửa đầu năm, TNG giảm 10% doanh thu còn 1.840 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 66 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kì.

Tương tự, với May Sông Hồng (Mã: MSH) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không sáng sủa trong 6 tháng qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II, May Sông Hồng đạt doanh thu thuần 962 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì 2019. Lãi sau thuế đạt 58 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kì. Luỹ kế 6 tháng, lãi giảm 44%, về mức 122 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 6 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Doanh thu quí II/2020 của VGT, TNG và MSH so với cùng kì năm ngoái. (ĐVT: tỉ đồng). Nguồn: BCTC VGT, TNG, MSH. Đồ họa: NH.

Theo các doanh nghiệp, cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì được việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh.

Tuy nhiên hiện nay, khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dù có các đơn hàng khẩu trang đến hết quí III/2020 và có thể giúp duy trì tạo công ăn việc làm cho công nhân trong thời điểm khó khăn do COVID-19 gây ra, nhưng biên lợi nhuận chưa được cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư như đơn hàng FOB, ODM.

6 tháng cuối năm sẽ thực sự khó khăn 

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quí cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh

Đặc biệt tại Mỹ, mỗi ngày vẫn có thêm 50.000 -60.000 người nhiễm mới và một số bang vẫn phải tiếp tục đóng cửa, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quí II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, tại thị trường Việt Nam, qui mô ngành dệt may đã vượt quá xa nhu cầu nội địa với tỉ trọng xuất khẩu chiếm 90% và 10% còn lại phục vụ nhu cầu trong nước. Việc trông đợi vào thị trường nội địa làm cứu cánh cho xuất khẩu ngưng trệ là điều không hề dễ dàng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.895,6 nghìn tỉ đồng (khoảng 78 tỉ USD), tăng 3,4% so với cùng kì năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7% nhưng may mặc giảm 1,2%, đặc biệt trong bối cảnh doanh thu bán lẻ tại 2 thành phố lớn đều tăng khá.

Cụ thể, TP HCM tăng hơn 10%; Hà Nội tăng gần 10%. Điều này cho thấy, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là nhu cầu về lương thực, thực phẩm chứ không phải quần áo may mặc.

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kì năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Như Huỳnh