Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bông Mỹ lớn nhất thế giới
Tại buổi giới thiệu Ngày hội Cotton Day 2020 chiều 14/9, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bông Mỹ là một trong những sự lựa chọn có đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc.
Theo thông tin từ Vitas, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 800.000 tấn bông nhập từ Mỹ (chiếm 60% tổng sản lượng nhập khẩu).
Lượng bông Việt Nam nhập từ Mỹ chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Mỹ và là quốc gia nhập bông Mỹ nhiều nhất thế giới.
"Các doanh nghiệp Mỹ luôn đặt Việt Nam ở vị trí là thị trường trọng tâm của bông Mỹ. Đơn cử, tỉ trọng nhập khẩu hàng năm của bông Mỹ vào Việt Nam đều duy trì ở đà tăng trưởng liên tục.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng bông Mỹ bởi chất lượng ổn định và nhà cung ứng luôn ghi nhận ý kiến của người mua để phát triển sản phẩm phù hợp. Riêng về giá bông, sẽ tuân theo qui luật thị trường và trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển bền vững", ông Giang cho hay.
Ngày hội Cotton Day 2020 vào ngày 22/9 tới là dịp để các nhãn hàng, thương hiệu thời trang, các doanh nghiệp trong ngành dệt may giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Võ Mạnh Hùng, trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam chia sẻ, năm nay do dịch COVID-19 nên sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến và áp dụng hình thức công nghệ thực tế ảo nên Cotton Day Vietnam 2020 sẽ có cả không gian triển lãm ảo.
Với chủ đề "Dẫn đầu qua thời kì biến động: Đối tác của doanh nghiệp dệt may trong thời kì mới" nhằm tạo ra sự giao lưu, kết nối giữa nhà xuất khẩu và người mua bông tại Việt Nam,
Sự kiện sẽ có sự góp mặt của ông Michael Duke, cựu Tổng Giám đốc điều hành Walmart, nhà bán lẻ, top 10 “Những người quyền lực nhất thế giới 2013” theo số liệu của Forbes; ông Willis Sparks, Giám đốc chiến lược toàn cầu và vĩ mô của Tập đoàn Eurasia - công ty tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới.
Tại sự kiện các diễn giả sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về ngành bông trong thời kì dịch COVID-19, các giải pháp để phát triển ngành dệt may trong trạng thái bình thường mới và công bố chương trình phát triển bền vững cho ngành bông.
Từ đó, kì vọng sẽ giải quyết được vấn đề thách thức khi từ đầu năm 2020 đến nay như những khó khăn về giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp bông Mỹ và Việt Nam,...
Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng qua, toàn ngành đã xuất khẩu 19 tỉ USD giảm so với cùng kì 13,5%.
Nhiều sản phẩm mang tính truyền thống của Việt Nam như vest, sơ mi nam và sản phẩm thời trang nữ cao cấp bị sụt giảm thị phần, điều này tạo ra những thách thức không nhỏ cho mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, theo ông Giang nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có sự linh hoạt và thích ứng tốt như chủ động thay đổi phương thức bán hàng, đàm phán và bán hàng theo hình thức online. Một số doanh nghiệp khai thác thị trường theo hướng đa dạng sản phẩm, trong đó có khẩu trang vải, quần áo mặc trong nhà... Điều này cũng định hình về chuỗi cung ứng là đầu tư vào phần thiếu hụt của thị trường.