Chủ tịch TPS: Muốn phát triển phải tăng cho vay margin
Sáng 24/4, Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Ban lãnh đạo trình thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát (BKS) và các nội dung quan trọng khác.
Cổ đông làm thủ tục và tham dự đại hội. (Ảnh: X.N).
Kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu 2.552 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện 2023. Chi phí ước tính giảm 17%. Lãi sau thuế dự kiến tăng 25% lên 286 tỷ đồng.
Theo bà Bùi Thị Thanh Trà, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, TPS sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ ngân hàng đầu tư, hoạt động môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh.
Công ty tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng cường nhận diện thương hiệu, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro...
TPS dự kiến tăng vốn điều lệ lên 5.608 tỷ đồng và phát hành/chào bán trái phiếu của công ty với tổng hạn mức phát hành trái phiếu tối đa 1.000 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn để thực hiện các hoạt động đầu tư, tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành chứng khoán và/hoặc các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh khác.
Dự kiến tăng vốn lên trên 5.600 tỷ đồng
HĐQT trình thông qua tổng thể kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, gồm 3 phương án.
Thứ nhất, công ty sẽ phát hành 36 triệu cp, tỷ lệ 12%, để trả cổ tức. Phương án dự kiến thực hiện trong quý II. Thứ hai là phát hành 14,5 triệu cp ESOP (tỷ lệ 4,83%), giá phát hành 10.000 đồng/cp. Phương án dự kiến triển khai trong quý II - III. Lượng ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Khối lượng lớn nhất thuộc về phương án phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với hơn 210,3 triệu cp (tỷ lệ 2:1,2). Giá phát hành tối thiểu 10.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu phát hành mới không bị hạn chế chuyển nhượng. Phương án dự kiến triển khai trong quý III – IV cho đến quý II/2025.
Nếu hoàn tất cả 3 phương án, vốn điều lệ sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 5.608 tỷ đồng.
Về mặt nhân sự, cổ đông bầu bổ sung 4 thành viên hội đồng quản trị, nâng số lượng lên thành 7 người (hiện tại 3 thành viên); đồng thời bầu bổ sung 2 thành viên ban kiểm soát, thay thế 2 cá nhân vừa có đơn từ nhiệm.
Đại hội thảo luận. (Ảnh: X.N).
PHIÊN THẢO LUẬN
-Công ty bổ sung nghiệp vụ chứng khoán phái sinh. Ban lãnh đạo kỳ vọng như thế nào về mảng kinh doanh này trong những năm tới?
Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tú: TPS tin tưởng phái sinh là sản phẩm tốt cho thị trường. Ngay khi có giấy phép TPS sẽ phát triển dịch vụ này. Quan sát trong thời gian vừa rồi, nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh không tích cực bằng thị trường cơ sở. Dù vậy, chúng ta cần đi đón đầu trước thị trường.
-Việc tăng vốn là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng có rủi ro làm loãng lợi nhuận trên cổ phiếu. Công ty đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Anh Tú: Khi tăng vốn điều lên thì TPS có nguồn lực tài chính đáng kể. Chúng ta muốn phát triển thì phải tăng cho vay margin, từ đó đem về lợi nhuận cho công ty. Lợi nhuận tăng lên sẽ bù lại yếu tố pha loãng. Việc tăng vốn còn qua nhiều thủ tục, thời gian, không thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh ngắn hạn, nhưng sẽ phản ánh vào kết quả đến 2025. Do đó, cổ đông nên đánh giá tiềm năng của cổ phiếu ORS trong dài hạn.
Với ESOP, đây là yếu tố động viên cho cán bộ công nhân viên, là đội ngũ kiếm tiền cho cổ đông. Đây là đề xuất theo thông lệ.
-Dư nợ margin (theo số tuyệt đối) của thị trường chứng khoán đang tăng nhanh và xấp xỉ vùng đỉnh giai đoạn 2021 - 2022. Ban lãnh đạo đánh như thế nào về yếu tố này?
Ông Đỗ Anh Tú: Thị trường chứng khoán được kỳ vọng rất phát triển năm 2024-2025. Kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn lớn, chờ đợi tương lai chứng khoán đi lên. Từ đó, công ty đánh giá hoạt động cho vay margin vẫn tăng trưởng.
-Ban lãnh đạo chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I?
Bà Thanh Trà: Kết thúc quý I, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 93 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm là 358 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Về quy mô tài sản, tính đến cuối quý I, tổng tài sản tăng trưởng 49% so với đầu năm, đạt 10.340 tỷ đồng.
Cũng trong quý I, công ty đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để TPS tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh.
-Vì sao không chia cổ tức năm 2023 một phần bằng tiền mặt?
Ông Đỗ Anh Tú: Ban lãnh đạo đã rất cân nhắc. Chúng tôi nhận thấy thị trường chứng khoán đang tốt, kỳ vọng năm nay TPS sẽ sử dụng tối đa nguồn lực để phát triển kinh doanh. Cổ đông sẽ hưởng “quả ngọt” vào năm 2025 - 2026. Kết quả đem lại kỳ vọng sẽ đáng kể.
-Công ty đáng giá như thế về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp? TPS có tồn đọng gì trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Rủi ro nào đối với lô trái phiếu DGT?
Bà Thanh Trà: TPS lựa chọn các tổ chức phát hành có uy tín, năng lực, để đảm bảo an toàn đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, chưa có vi phạm.
Rút kinh nghiệm trong thời gian trước, Ủy ban Chứng khoán đã rất chặt chẽ theo những định hướng của Thủ tướng, có những quy định, quy chế để siết chặt trong đảm bảo liên quan đến phát hành trái phiếu... Đây cũng là điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Năm qua chứng kiến nhiều trường hợp tổ chức phát hành từ trước đó “đổ bể” nhiều, khi các doanh nghiệp đã ào ạt phát hành, không đảm bảo chuẩn mực. Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều tiêu chí, qua năm 2024 đã áp dụng kiên quyết như tiêu chí nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Năm 2024, TPS đã làm việc với các doanh nghiệp, đối tác tương lai về các định hướng của Bộ Tài chính đưa ra, về tiêu chí, điều kiện đối với phát hành. Doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm, đảm bảo nguồn vốn trên tài sản...
TPS tin rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang phục hồi dần, song không thể tăng trưởng nóng như 2020-2021. Chính các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn trong việc phát hành hơn trước.
TPS hướng tới không chỉ doanh nghiệp, ngay cả trái phiếu phát hành cũng phải xếp hạng tín nhiệm. Đây là cơ hội, đồng thời là tính minh bạch cho nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu được an tâm hơn. Hiện lãi suất đã thuận lợi hơn, hỗ trợ cho tổ chức phát hành.
Với trái phiếu DGT (CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai - PV), TPS đang đầu tư. Tài sản đảm bảo gồm 2 mỏ và cổ phiếu, định giá vẫn đang cao hơn so với TPS đang nắm giữ.
-ESG, kinh tế xanh đang là một xu hướng. TPS có những hành động và định hướng gì về yếu tố này trong hoạt động kinh doanh?
Ông Đỗ Anh Tú: Đây là xu thế phát triển của thế giới, của nền kinh tế Việt Nam, TPS không thể đứng ngoài. Trong tương lai, với hoạt động đầu tư, lựa chọn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, TPS sẽ cố gắng lựa chọn doanh nghiệp có xu hướng bền vững, phát triển xanh. Trước mắt trong nội bộ cổ đông cũng có một số đề xuất, công ty có thể áp dụng như dùng bàn giấy, uống nước bằng cốc tái chế...
Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. 4 cá nhân được bầu bổ sung vào HĐQT gồm ông Tạ Quang Lương, bà Phạm Thị Huyền Trang, bà Nguyễn Thị Lệ Tùng và ông Lê Quốc Hùng. Đồng thời, ông Nguyễn Trát Minh Hương và bà Phạm Thị Thanh Tâm được bầu bổ sung vào BKS.