Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Logistics ở Việt Nam rất tệ hại, ai đủ năng lực xây dựng một công ty đàng hoàng sẽ giành chiến thắng
Vừa qua, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư để công bố kết quả kinh doanh tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2022. Tại buổi họp, chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng có những chia sẻ về mảng giao hàng của Bách Hóa Xanh (BHX) cũng như cái nhìn chung về ngành logistics tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Tài, mảng kinh doanh online cần sự tin cậy cũng như thời gian giao hàng nhanh. “Ví dụ, khi tôi hết dầu ăn, tôi cần mua một chai dầu ăn, nhưng bên giao hàng bảo rằng tôi đợi ba ngày để nhận được sản phẩm. Chắc chẳng có ai chấp nhận điều đó”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Theo ông Tài, BHX có ý thức rất rõ về ngành giao hàng. “Chúng tôi có ý thức rõ ràng rằng ngành này có sự khác biệt so với việc mua một chiếc đầm hay đôi giày. Những sản phẩm như vậy người dùng có thể đợi trong ba ngày, bên bán cũng tiện lúc nào giao lúc đó. Tuy nhiên, những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày thì họ không thể chấp nhận điều kiện giao hàng kỳ cục, lâu như vậy”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Thế Giới Di Động đã chủ đích xây dựng mô hình kinh doanh online khác biệt, đó là mô hình kinh doanh online với độ chính xác cao, “hứa gì làm đấy”. “Các bạn có thể chọn thịt của hôm nay hoặc ngày mai, đồng thời cũng có thể chọn thời gian giao hàng. Ví dụ, bạn chỉ có nhận hàng từ 10h – 12h thì chúng tôi sẽ giao đúng vào thời điểm đó. Đây là những gì khách hàng mong đợi và cũng là những thức chúng tôi đang xây dựng”, ông Tài cho biết.
Thậm chí, trong thời gian tới, Thế Giới Di Động sẵn sàng đưa vào dịch vụ giao hàng peer-to-peer (giao hàng 1 – 1). “Nếu bạn cần 1 kg thịt rất gấp, một bạn giao hàng của BHX sẽ lấy sản phẩm giao thẳng tới nhà khách hàng đó trong 60 phút. Có thể 1 – 1 hoặc 2 – 1 để đảm bảo tốc độ giao hàng”, Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ về những hình thức kinh doanh có thể áp dụng cho BHX online.
Theo chia sẻ từ ông Tài, nhìn chung, khách hàng của Thế Giới Di Động có thể không cần bước chân ra khỏi nhà để tới siêu thị hoặc chợ truyền thống mà hai kênh BHX offline và online sẽ phối hợp để phục vụ khách hàng.
BHX không dùng dịch vụ giao hàng của bên thứ ba
Chia sẻ về đội ngũ giao hàng cũng như mảng logistics của BHX, ông Nguyễn Đức Tài cho biết sự khác biệt đối với các đơn vị cùng ngành nằm ở chỗ BHX không sử dụng dịch vụ của bên thứ ba.
Theo ông Tài, khi sử dịch vụ giao hàng của bên thứ ba, đội ngũ này chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là gom hàng và đem hàng đi giao một cách tuần tự, không có cam kết về thời gian giao hàng.
“Chúng tôi có công ty con chuyên xử lý vấn đề giao hàng của BHX. Tại TP HCM, chúng tôi có 10 kho nhận hàng online. Ví dụ, có 10 đơn hàng cần giao vào khoảng 10h – 12h sáng mai thì việc nhận hàng sẽ được diễn ra trước đó. Một đội ngũ trực thuộc MWG sẽ đến kho, cầm đơn hàng và chắc chắn đi giao tất cả 10 đơn trong hai tiếng đó. Hiện tại, 10 kho của công ty chia cho 20 quận huyện tại TP HCM, tương đương mỗi kho chỉ vụ tầm 2 quận huyện. Như vậy, tốc độ giao hàng sẽ đạt yêu cầu”, theo chia sẻ của ông Tài.
Ông Tài tự tin mô hình này sẽ phát huy hiệu quả, thậm chí sau này khi áp dụng mô hình peer-to-peer, mọi thứ có thể còn đơn giản hơn. “Nếu một ngày nào đó sử dụng dịch vụ giao hàng của bên thứ ba thì chúng tôi sẽ không đi đến đích với cam kết giao hàng trong thời gian ngắn (60 – 120 phút)”, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết.
"Ngành logistics ở Việt Nam đang rất tệ hại"
Nhận định về ngành logistics, ông Tài cho biết đây chính là “ước mơ”. Theo đó, ước mơ được ông Tài đề cập đến ở đây là việc có ai đó làm logistics một cách ngon lành để công ty của ông có thể thuê và sau đó tập trung hoàn toàn vào mua bán, bởi đây chính là sức mạnh của bán lẻ.
Thực tế, chính Thế Giới Di Động cũng đã thử vài lần, theo chia sẻ của ông Tài. “Chúng tôi không biết có nên nỗ lực tiếp hay không bởi vì có những lùng bùng trong đó. Logistics bao gồm kho vận (quản lý hàng hóa và vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến siêu thị). Tại Việt Nam, nói thì hay chứ thực tế chưa có ông nào làm được ra hồn. Tôi hy vọng có ai đó làm được bài bản”, ông Tài chia sẻ.
Tại nước ngoài, mô hình này thường dùng dịch vụ từ bên thứ ba. “Chúng tôi đã sang Nhật Bản hay châu Âu và nhận thấy rằng đúng là họ sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho do bên thứ ba quản lý. Sau đó, họ tự nhận và giao hàng đúng ngày đúng giờ. Tôi ước mơ có ai đó ở Việt Nam đủ năng lực làm điều này”, Chủ tịch Thế Giới Di Động nói thêm.
Thời điểm hiện tại, ông Tài khẳng định chưa ai làm được điều này. Thậm chí, ngay cả Thế Giới Di Động cũng đã thử và đầu hàng khi cảm thấy lỗi thời sau vài ba tháng làm dịch vụ.
“Chúng tôi đã nói với một người trong ngành logistics rằng: “Ông ở trong ngành cả chục năm mà sao tôi làm 2 – 3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?”. Đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả và tệ hại”, ông Tài chia sẻ.
Cuối cùng, Chủ tịch Thế Giới Di Động nhận định rằng ở thời điểm hiện tại, bất kỳ ai có sức mạnh về Việt Nam xây dựng một công ty logistics đàng hoàng, làm ăn tới nơi tới chốn, người đó sẽ giành chiến thắng. “Đây là cơ hội lớn cho những ai có sức mạnh về logistics”, ông Nguyễn Đức Tài kết luận.