|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Lộc Trời lý giải vì sao lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 30%

06:52 | 03/05/2019
Chia sẻ
Lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc của Lộc Trời giảm mạnh tới 30% từ đầu năm đến nay. Cùng lúc đó, chi phí xuất khẩu cũng tăng 30%, và vấn đề nợ ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn.

Xuất khẩu gạo của Lộc Trời giảm mạnh

Bên lề Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, trao đổi với người viết xung quanh việc Trung Quốc thắt chặt hoạt động nhập khẩu gạo Việt Nam, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho biết Lộc Trời cũng là một trong những doanh nghiệp chịu tác ảnh hưởng bởi động thái này của Trung Quốc.

Chủ tịch Lộc Trời lý giải vì sao lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 30% - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Theo đó, ông Thòn cho biết lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc giảm mạnh tới 30% từ đầu năm đến nay. Cùng lúc đó, chi phí xuất khẩu cũng tăng 30%, và vấn đề nợ ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn.

"Việc thay đổi chính sách của Trung Quốc là bất thường nhưng chúng ta phải xem đây là điều hoàn toàn bình thường. Dù Lộc Trời đã chuẩn bị tâm thế từ lâu nhưng cũng không thể tránh bị ảnh hưởng", ông Thòn cho biết.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực khác đến với ngành gạo Việt Nam và một số quốc gia xuất khẩu gạo sang Philippines khác đó là mới đây, chính phủ nước này ban hành Đạo luật số 11203 chuyển đổi cơ chế hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo.

Cụ thể, ngày 15/2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành Đạo luật số 11203 (Republic Act N. 11203) chuyển đổi cơ chế hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo.

Đạo luật này có tên đầy đủ là "Luật về tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo, nhằm gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thực hiện những mục đích khác". Luật số 11203 có hiệu lực từ ngày 5/3.

Ngày 5/4 , Thông tư liên ngành số 01/2019 về việc hướng dẫn thi hành Luật số 11203 chính thức được ban hành.

Song ông Thòn vẫn tỏ ra khá thận trọng trước tín hiệu này: "Đây mới chỉ là tín hiệu, còn hiệu quả cơ chế trên thực tế đến đâu, Lộc Trời vẫn phải chờ đến tháng 8 để đánh giá số lượng đơn hàng sang thị trường này".

Ông Thòn cho hay, hiện nay ngành gạo Việt Nam vẫn còn điểm tồn đọng lớn đó là giá thành sản xuất cao trong khi chất lượng chưa tốt để xây dựng thương hiệu.

Ông Thòn cho rằng việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất.

"Nhưng khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang doanh nghiệp". Doanh nghiệp Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000 ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 ha do những khó khăn này.

Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác "nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân"; trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng đề xuất xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp gắn với thực tiễn, đó phải là những người "Nghe được hơi thở của đồng ruộng, thấu hiểu tâm tư của nông dân".

Trong quý I/2019, Lộc Trời đạt doanh thu 1.569 tỉ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán có mức tăng cao hơn với gần 5%, khiến lãi gộp của công ty giảm trên 3%, đạt 343 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay trong 3 tháng đầu năm tăng gần 30% lên 45 tỉ đồng đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả lợi nhuận ròng của Lộc Trời, đạt 56 tỉ đồng, giảm 23% cùng kỳ.

Chủ tịch Lộc Trời lý giải vì sao lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 30% - Ảnh 3.

Xuất khẩu gạo quý I giảm mạnh trên cả nước

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 658.000 tấn với giá trị đạt 281 triệu USD.

Con số này đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong quí I ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm tới 20,2% về giá trị so với cùng kì năm 2018.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong quí I là kim ngạch xuất khẩu gạo sang Angola tăng tới 9,5 lần so với cùng kì năm ngoái. Tại thị trường Bờ Biển Ngà, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 6,1 lần.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần.

Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm giảm tới 17,8% so với năm ngoái xuống 404 USD/tấn.

Giải thích nguyên nhân hoạt động xuất khẩu gạo ảm đạm trong đầu năm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho biết quý I trải qua Tết Nguyên Đán do vậy các đơn hàng chưa được triển khai.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau Tết, các doanh nghiệp chưa chủ động, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới.

Ông Hòa cho biết các doanh nghiệp đối tác xuất khẩu gạo của Trung Quốc cũng đang lo ngại về việc siết chặt hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng.

Cuối năm ngoái, ba trong số 22 doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị nước này từ chối nhập khẩu do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Phía Trung Quốc cho biết họ đã theo dõi ba doanh nghiệp này một thời gian dài và đã phát hiện nhiều vi phạm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quỳnh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.