|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam bất ngờ lên tiếng về việc cổ phiếu FTM 'sập sàn'

15:17 | 25/09/2019
Chia sẻ
Không chỉ đưa thông tin về Đức Quân và những khó khăn của ngành, VCOSA còn đi sâu hơn vào việc cổ phiếu FTM diễn biến bất thường đã gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.
dscf1156-1569043292079700615435

Bên trong nhà máy sợi Đức Quân (Nguồn BM)

Liên quan đến cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Ðức Quân (Fortex) giao dịch bất thường thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian qua, Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) Nguyễn Văn Tuấn mới đây vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc "Xác báo cáo khó khăn của ngành, doanh nghiệp kéo sợi Việt Nam và kiến nghị".

Ông Tuấn cho biết, ngày 6/9/2019, VCOSA nhận được công văn số 01/CV-DQ của Đức Quân. Trước đó, ngày 5/9/2019, VCOSA cũng nhận được bản sao công văn Đức Quân gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01 và C03), cùng UBCKNN kiến nghị xác minh, xử lý sai phạm trong việc "đăng tải và cung cấp thông tin sai sự thật" về Đức Quân trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Tuấn, Đức Quân là một trong những thương hiệu hàng đầu về sợ Cottons đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ đến 90% sản lượng sợi cotton của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện toàn ngành kéo sợi có 9,7 triệu cọc với tổng sản lượng đạt 1,85 triệu tấn/năm, nhưng do khả năng hấp thụ thấp của ngành dệt trong nước, nên 2/3 lượng sợi làm ra phải xuất khẩu, trong đó có 0,8 triệu tấn là sợi cotton.

"Nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường ổn định của sợi cotton với lượng nhập 2 triệu tấn/năm và chỉ có 3 nhà cung cấp chính là Ấn Ðộ, Pakistan, Việt Nam. Sợi của Việt Nam có ưu thế hơn nên giành được 40% thị phần, điều này phần nào lí giải cho sự phát triển của một số doanh nghiệp sợi Việt Nam, trong đó có Đức Quân", ông Tuấn cho hay.

"Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã làm thay đổi mọi thứ. Ngược với ngành may (vốn được xem là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại vì sản phẩm chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Canada, Úc), ngành kéo sợi của Việt Nam lại trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành", Ông Tuấn nói thêm.

Đại diện VCOSA dẫn thêm thông tin rằng căng thẳng thương mại khiến xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc vào Mỹ (chiếm 45% tổng nhập khẩu của Mỹ) giảm đáng kể, kéo theo nhu cầu mua sợi cotton của Trung Quốc giảm; đồng Nhân dân tệ mất giá tác động xấu lên giá bán sợi cotton của Việt Nam; đồng Rupee của Ấn Ðộ đột ngột mất giá 12%, cho phép các nhà bán sợi Ấn Ðộ giảm giá bán bình quân cho 1 kg sợi từ 3,5 USD xuống còn 2,8 USD.

Theo tính toán sơ bộ của VCOSA, kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, ngành kéo sợi Việt Nam mất khoảng 400 triệu USD do bị giảm giá. "Mức thiệt hại của Đức Quân trong 6 tháng đầu năm 2019 lỗ 31 tỉ đồng là dễ hiểu", Chủ tịch VCOSA nói.

"Giá cổ phiếu giảm là dễ hiểu"

Không chỉ đưa các thông tin về Đức Quân và những khó khăn của ngành theo tựa nội dung công văn, VCOSA còn đi sâu hơn vào vụ việc cổ phiếu FTM diễn biến bất thường trong quảng thời gian trước đó, đồng thời chỉ trích những luồng thông tin gây bất lợi cho Đức Quân.

"Việc các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM bán ra thị trường do lo ngại doanh nghiệp thua lỗ hoặc không đạt được lợi nhuận kỳ vọng như nêu trong công văn của Đức Quân là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, trong lúc các cấp, các ngành đang cùng tập thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp đang đồng tâm hiệp lực để vượt qua khó khăn, việc một số phóng viên đưa tin, viết bài không chính xác trện báo chí (kể cả không có dụng ý xấu) mà không có sự thấu hiểu về ngành, về doanh nghiệp, không có sự cảm thông, chia sẻ thì cũng rất đáng trách.

Do đó, các thông tin sai lệch gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp cần được loại bỏ và chúng tôi đồng tình với Đức Quân trong việc kiến nghị các cơ quan hữu trách xác minh và sử lí nghiêm túc các sai phạm này", đoạn kết của Chủ tịch VCOSA nêu.

Báo cáo được kí vào ngày 9/9, tức thời điểm cổ phiếu FTM đang giảm mạnh. Sau nhiều nhiều phiên giảm sàn liên tục, cổ phiếu FTM đến ngày 9/9 đã giảm gần 70% kể từ ngày bắt đầu đợt giảm sàn từ 15/8.

Trước đó, ngày 4/9, nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết đại diện của 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại liên quan đến việc cổ phiếu FTM (Tổng số tiền nhóm này cho vay margin ước tính khoảng 200 tỉ đồng) đã nhóm họp để tìm ra nguyên nhân, khắc phục sự cố.

Nội dung bài báo cho biết các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê và phát hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM. Nhóm công ty chứng khoán cho rằng có vai trò trung gian thao túng giao dịch cổ phiếu FTM từ những cá nhân có liên quan đến người nội bộ của Công ty Đức Quân.

Trong khi đó, trả lời báo chí mới đây, Ông Lê Mạnh Thường, cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch Đức Quân phủ nhận việc đứng sau thao túng cổ phiếu FTM và đề cập khả năng ông sớm quay lại làm Chủ tịch HĐQT để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nguyên nhân cổ phiếu FTM giảm giá sâu được ông Thường giải đáp rằng: "do hoạt động của công ty đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như biến động của tỉ giá".

Hiện cổ phiếu FTM vẫn chưa có dấu hiệu ngừng sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/9, cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn xuống chỉ còn 3.000 đồng/cp, tương đương vốn hoá thị trường của Đức Quân chỉ còn lại 160 tỉ đồng so với con số 1.200 tỉ đồng cách đây chỉ hơn 1 tháng.

Dù vậy, nguyên nhân vự việc vẫn hiện vẫn chưa được làm rõ. Ngoài thông tin từ UBCKNN mới đây cho biết đã nắm được thông tin và hiện đang cùng các đơn vị chức năng liên quan tiến hành các thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.

"Do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định", UBCKNN cho biết.


Hoàng Trung