|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông FTM, SMD Holdings, công ty chứng khoán và miếng gân gà trên bàn tiệc (Phần 3)

07:59 | 09/10/2019
Chia sẻ
Khi sự cố xảy ra, các bên liên quan thường đổ lỗi cho nhau và tìm những chứng cứ để đẩy cái sai về phía đối tác, để đảm bảo vị thế "con mồi" tội nghiệp.

LTS: Cuộc khủng hoảng cổ phiếu FTM đang tạo ra những giằng co kéo dài giữa các bên liên quan, đồng thời được giới đầu tư quan tâm. Chúng tôi giới thiệu loạt bài phản ánh thực tế cách thức tạo lập những chuỗi giao dịch ẩn chứa rủi ro trên thị trường chứng khoán, với hi vọng giúp các nhà đầu tư tránh được nguy cơ cho đồng tiền của mình.

stock-crash

Khi sự cố xảy ra, các bên vừa muốn đàm phán với nhau, vừa đổ lỗi và tìm kiếm các chứng cứ để chứng minh mình là "con mồi". Ảnh minh họa: T.C.C.

Bài 3: Khi trên bàn tiệc chỉ còn miếng gân gà

Quay lại ví dụ về diễn biến cổ phiếu FTM và những bên được cho là liên quan trong diễn biến này: một số cổ đông, SMD Holdings, CTCK, ngân hàng, các trung gian khác.

Thông tin chính thức ít ỏi cho đến lúc này chỉ có 4 động thái: (1) Fortex báo cáo và giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ, (2) cựu Chủ tịch Fortex Lê Mạnh Thường khẳng định tin đồn "thao túng cổ phiếu" là thất thiệt, (3) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thanh tra hoạt động của Fortex và (4) luật sư đại diện cho các cổ đông tham gia đàm phán với các CTCK để tìm cách tháo gỡ.

Tuy nhiên, các tin tức rò rỉ đã đi xa hơn thế khá nhiều. Khởi đầu từ một văn bản được cho là biên bản cuộc họp của các CTCK "bị thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng" ngày 4/9, nêu đích danh một số tổ chức và cá nhân có liên quan.

Văn bản này có hàng loạt chữ kí, nhưng trong đó không có người đại diện theo pháp luật của các CTCK. Bản thân các CTCK không bình luận về văn bản này, hay bất kỳ bình luận chính danh nào về vụ việc.

Trả lời chúng tôi, vị Tổng Giám đốc công ty chứng khoán (CTCK) lớn được cho là "nạn nhân" trong diễn biến này đã phủ nhận sự liên quan của mình. Một số lãnh đạo CTCK khác cũng "chưa muốn nói gì".

Những từ ngữ được các bên hay nhắc tới nhất là "đàm phán", "ngồi lại", "thỏa thuận", "tìm giải pháp", "thống nhất phương án", "yêu cầu có trách nhiệm".

Mới đây nhất, FTM đã có 6 phiên tăng trần từ mốc đáy 2.600 đồng/cp lên 4.150 đồng. Trong đó, có những phiên khối lượng giao dịch lên tới gần 4,8 triệu cổ phiếu, cao gấp 5 lần khối lượng giao dịch bình quân trong giai đoạn bị nghi vấn "thao túng".

Đó có thể là chỉ dấu cho thấy một phần các thỏa thuận tháo gỡ đang bắt đầu được thực thi, hoặc giả định một ai đó đã nhìn thấy cơ hội theo đánh giá của họ để mua số lượng lớn cổ phiếu giải chấp.

Tuy nhiên, tính khả thi của giả định thứ hai vẫn còn là dấu hỏi nếu trong vài ngày tới không có một công bố nào cho thấy Fortex có cổ đông lớn mới.

Nhưng chưa có công bố chính thức nào cho thấy các bên liên quan đã hoàn toàn tìm được tiếng nói chung, trong bối cảnh các thông tin chưa chính thức vẫn tiếp tục được rò rỉ ra. Như việc "các CTCK đã xác định được IP giao dịch" từ các tòa nhà ở Đê La Thành và Đào Tấn (Hà Nội), hoặc việc "trích xuất dữ liệu giao dịch".

Chưa rõ thực hư các nội dung này, nhưng nếu đúng như vậy thì câu hỏi về nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng của các CTCK và khâu lưu kí cần được đặt ra.

Những thông tin như vậy có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng về số phận các thông tin tài khoản và giao dịch của họ tại các CTCK.

Thông thường, khi đàm phán những nội dung có xung đột lợi ích, như ở đây là xung đột về nghĩa vụ đối với các khoản tiền, các bên sẽ tìm kiếm các bằng chứng có lợi cho mình và bất lợi cho phía còn lại.

Nhưng việc áp dụng cách thức nào để tìm kiếm bằng chứng, và cách thức này có hợp pháp hay không là việc khác. Cũng như các hoạt động khác liên quan đến cho vay, nếu việc trích xuất dữ liệu chỉ trong phạm vi hẹp thì có thể không dễ biết được, nhưng khi các thông tin này được tung ra rộng rãi thì trở thành vấn đề.

Một lẽ thường khác, nếu không có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, thì trong quan hệ dân sự này, dù CTCK và các bên cho vay khác (nếu có) "trói" nhà đầu tư chặt đến đâu, họ cũng khó lòng đứng ngoài các rủi ro mất tiền.

Trước mắt, khi quí 3 vừa trôi qua, trên báo cáo tài chính của các CTCK sẽ xuất hiện thêm cọc trích lập dự phòng và lợi nhuận sẽ bị xói mòn đáng kể, đặc biệt với các CTCK nhỏ.

Dài hơi hơn, nếu các cổ đông có nợ xấu xác nhận nợ nhưng không thể tìm kiếm được nguồn tài sản bổ sung để trả nợ thì khả năng CTCK thu hồi được nợ không hề dễ dàng nếu chỉ dựa vào điều khoản hợp đồng và các phán quyết dân sự.

Giả dụ cuối cùng, chuyện thao túng là có thật, thì việc xác định bị hại không hề đơn giản. Trong khi đó, hành vi trực tiếp của những người trực tiếp thực hiện giao dịch cũng như hành vi hưởng lợi trong chuỗi giao dịch dễ xác định hơn.

Khi đó, khái niệm "con mồi" hay "nạn nhân" có thể sẽ được định nghĩa lại.

T.C.C