FTM: Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động, chỉ còn một nhà máy đang sản xuất
Như đã thông tin trước đó về báo cáo tài chính chưa soát xét của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - Mã: FTM) với hàng loạt vấn đề như lỗ luỹ kế gần 98 tỉ đồng; nợ ngân hàng 809 tỉ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu, cạn tiền mặt...
FTM đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2020 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế và bị kiểm toán đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ.
Phía kiểm toán cho biết 6 tháng đầu năm, FTM phát sinh khoản lỗ 102 tỉ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 46 tỉ đồng. Các khoản vay ngân hàng quá hạn chưa thanh toán là gần 287 tỉ đồng, lãi vay ngân hàng quá hạn chưa được gia hạn nợ 191 tỉ đồng.
Doanh nghiệp cũng cho biết diễn biến của dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính, kinh doanh của công ty. Khả năng hoạt động liên tục của FTM phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư.
Kiểm toán nhận định những vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tại ngày 30/6, FTM chưa trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi quá hạn 6,6 tỉ đồng. Theo đó, kiểm toán cho biết nếu khoản dự phòng này được ghi nhận khiến chi phí quản lí doanh nghiệp tăng lên tương ứng, làm giảm lãi trước thuế 6,6 tỉ đồng.
Chỉ còn một nhà máy đang hoạt động
Phía FTM giải trình trong quí I, tác động kép từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 khiến doanh thu quí I chỉ bằng 13% cùng kì năm 2019.
Trung Quốc tiến hành đóng cửa nền kinh tế khiến đơn hàng xuất khẩu sợi bị huỷ và giảm đột ngột. Tới đầu quí II dịch bệnh bùng phát tại châu Âu, Mỹ, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ (những thị trường chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu dệt may).
FTM cho biết đa số các đối tác lớn có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng. Ngành sợi gần như "đóng băng", đơn hàng bị đề nghị giãn, hoãn hoặc huỷ.
Doanh thu quí II chỉ còn bằng 1% quí II/2019, doanh thu nửa năm chỉ bằng 9% cùng kì.
Doanh thu sụt mạnh do cả giá bán và đơn hàng đều giảm trong khi các chi phí khấu hao 41,5 tỉ, lãi vay 44 tỉ đồng vẫn phát sinh và ghi nhận dẫn tới lỗ 102 tỉ đồng.
FTM thông tin thêm công ty đang đang tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và nợ vay. FTM đang áp dụng biện pháp đảm bảo duy trì sản xuất một nhà máy và bảo trì hai nhà máy để sẵn sàng hoạt động bất cứ lúc nào ngay khi thị trường phục hồi. Công ty cũng đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ vốn khác.
Hiện FTM có ba nhà máy với 101.400 cọc sợi, tương đương công suất tối đa khoảng 17.000 tấn/năm. Nhà máy Đức Quân 1 có công suất 3.300 tấn/năm, nhà máy số 2 công suất 6.200 tấn/năm và nhà máy Đức Quân 5 có công suất 7.500 tấn/năm.
Theo thông tin từ báo cáo thường niên, năm 2019, FTM tiếp tục triển khai dự án nhà máy kéo sợi Đức Quân 6 để mở rộng hoạt động. Dự kiến, sang năm 2020, các hạng mục đầu tư của nhà máy sẽ được hoàn tất và đưa vào chạy thử. Tuy nhiên tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin về việc chạy thử.
Với khoản công nợ phải thu khó đòi, FTM cho biết khách hàng đang gặp khó khăn trong việc bán hàng nhưng doanh nghiệp nhìn nhận chỉ là khó khăn nhất thời nên không ghi nhận trích lập.
Về giải pháp cho 6 tháng cuối năm, FTM cho biết với tình hình thị trường đầy rủi ro, biến động có thể còn kéo dài tới hết năm nên công ty chủ động tạm dừng sản xuất sợi cotton và chuyển đổi 50% sản lượng cotton sang mặt hàng sợi 100% polyester và sợi pha.
Việc chuyển đổi mặt hàng sang sợi PR và sợi pha để đa dạng hoá sản phẩm và tìm kiếm thêm thị trường ngách trong nước. Tuy nhiên, FTM cho biết việc hàng loạt doanh nghiệp sợi quay lại thị trường nội địa khiến việc canh tranh càng khốc liệt.
Kết phiên 19/8, cổ phiếu FTM chốt ở 1.300 đồng/cp, giảm 95% từ mức đỉnh giữa tháng 7/2019.