|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Nếu nhà máy FTM bị bóp nghẹt phải dừng sản xuất, tất cả các bên đều sẽ thiệt hại nặng nề'

14:32 | 21/09/2019
Chia sẻ
Đó là thông điệp được CEO Fortex (Mã: FTM) phát đi trước tình trạng kinh doanh tuột dốc, các ngân hàng hạ điểm tín dụng và "cơn giông bão" trên thị trường chứng khoán chưa dừng.

DSCF1137

Khoảng 1.000 công nhân Fortex vẫn đang miệt mài hoạt động để vận hành nhà máy chạy 24/24, ít người trong số họ biết công ty đang đối mặt với "cơn bão táp" trên thị trường chứng khoán. Ảnh tại Nhà máy sản xuất sợi của Fortex ngày 20/9, nguồn : BM)

 "Lỗ vốn còn hơn là dừng sản xuất"

Bên trong nhà máy sản xuất sợi của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – Mã: FTM) đặt tại Thái Bình, những công nhân vẫn miệt mài với công việc của mình, người theo dõi số liệu máy móc, người tra sợi vào ổ cuốn, người vệ sinh nhà xưởng… ít ai trong số họ biết rằng giá trị của công ty họ đang làm việc giảm hơn 84% trên sàn chứng khoán trong hơn một tháng qua.

"Ba nhà máy công suất 17.500 tấn sợi cotton mỗi năm của Fortex vẫn đang chạy 100% công suất, 24/24. Hơn 90% sản phẩm đầu ra sẽ được công ty xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp khác trong ngành sợi, hoạt động kinh doanh của Fortex bắt đầu khó khăn trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ quí III/2018.

Việc Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc cộng hưởng cùng chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ khiến các xưởng dệt nước này đồng loạt dừng nhập khẩu đối với mặt hàng sợi Việt Nam. Các xưởng dệt Trung Quốc phải tự cứu mình trước bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn nội địa", ông Đỗ Văn Sinh – Tổng giám đốc Fortex mới đây cho hay.

Mới quay trở lại nhậm chức CEO Công ty từ đầu tháng 4/2019, ông Sinh ngay lập tức phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất của Fortex trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, ông được điều chuyển đi Đà Nẵng để chịu trách nhiệm vận hành một nhà máy chuyên về chế biến thủy sản trong hệ thống của công ty.

Giá bán sợi sang Trung Quốc đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh và được quyết định chủ yếu từ phía cầu. Với mức giá bán hiện nay, CEO của Fortex cho biết công ty đang lỗ từ 7.000 – 10.000 đồng trên mỗi kg thành phẩm; hơn chục tỉ đồng "bốc hơi" mỗi tháng là điều khó tránh khỏi. Nửa đầu năm 2019, Fortex lỗ ròng 31 tỉ đồng

DSCF1147

Ông Đỗ Văn Sinh được HĐQT Fortex điều động giữ chức Tổng giám đốc Fortex từ tháng 4/2019 để cứu vãn tình hình kinh doanh thua lỗ. (Ảnh: BM)

Thua lỗ là vậy, nhưng Fortex không thể dừng sản xuất bởi khi đó tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn. "Nếu dừng lại, doanh nghiệp không có dòng tiền, hơn nữa là hơn 1.000 công nhân sẽ thất nghiệp, chưa kể sẽ mất khách hàng…", ông Sinh cho biết.

Ban lãnh đạo Fortex nói rằng phải liên tục đưa ra các giải pháp để cắt giảm thua lỗ, đầu tiên là cơ cấu lại các sản phẩm sợi. Công ty chấp nhận chuyển dịch sang sản xuất các thành phẩm giá rẻ hơn với biên lợi nhuận thấp hơn. Đồng thời, Công ty cũng chỉ xuất khẩu ở mức cầm chừng và giữ mức tồn kho chủ động để giảm thiểu mất vốn. 

Hiện Công ty nhập khẩu nguyên liệu bông đến đâu sản xuất đến đó thay vì nhập cả lô lớn như trước làm giảm áp lực tài chính và nguy cơ biến động giá. Bởi 6 tháng đầu năm, các hợp đồng mua bông theo mùa vụ kéo dài 3 – 4 tháng cộng thêm việc giá sợi giảm sút nhanh đã khiến Fortex tăng phần thua lỗ.

DSCF1102

Fortex đổi chiến lược, nhập khẩu nguyên liệu từng phần để sản xuất thay vì nhập theo lô như trước. (Ảnh: BM)

"Ngoài ra, công ty cũng cơ cấu lại các thị trường xuất khẩu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn thị trường Hàn Quốc trong có tiêu chuẩn khắt khe hơn nhưng bù lại giá bán lại tốt hơn. Việc chuyển dịch các thị trường có thể giúp hạ tỉ trọng doanh thu từ Trung Quốc từ nay đến cuối năm xuống còn 85%", ông Sinh cho biết.

"Fortex bị đánh hạ điểm tín dụng vì những thông tin trên thị trường chứng khoán"

Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở thị trường sợi, như đã nói thông tin cổ phiếu Fortex giảm sàn 26 phiên liên tục, cùng những thông tin cho rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp có dấu hiệu thao túng giá cổ phiếu đang tạo thành những vòng vây bóp nghẹt công ty.

"Có khả năng các công ty chứng khoán gia tăng áp lực với công ty để thu hồi margin, nhưng theo tôi nếu đã là nhà đầu tư, khi áp lực thông tin khiến cho doanh nghiệp dừng sản xuất thì tất cả mọi người đều thiệt hại nặng nề", CEO của Fortex nói.

Trong những buổi gặp gỡ giữa ban lãnh đạo Fortex và đại diện các công ty chứng khoán, ông Sinh cho biết cũng đã đưa thông tin rằng doanh nghiệp vẫn đang sản xuất ổn định. "Việc kinh doanh có khi lỗ, khi lãi, không thể tiền lúc nào cũng về. Chúng tôi đã kêu gọi các công ty chứng khoán giữ bình tĩnh", vị này cho biết thêm.

Song song đó,  Fotex cũng đang hết sức khó khăn đối với việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng.  Tổng giám đốc Fortex thông tin: "Điểm tín dụng của Fortex tại các ngân hàng bị sụt giảm khiến cho các hoạt động thẩm định cho vay mới và mở L/C trở nên khó khăn hơn".

Trong 6 tháng đầu năm, Fortex thua lỗ không chỉ do thị trường chung diễn biến xấu. Báo cáo tài chính soát xét cho thấy, chi phí tài chính gần 34 tỉ đồng mà chủ yếu là chi phí lãi vay mới là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ nặng. Trung bình mỗi tháng công ty sợi trả lãi vay hơn 5 tỉ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2019, Fortex đang có 477 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn; trong đó các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Hà Nội được đảm bảo bằng máy móc thuộc dây chuyền sản xuất và tài sản của ông Lê Mạnh Thường (cựu Chủ tịch HĐQT Fortex).

Vay dài hạn 243 tỉ đồng, không bao gồm 130 tỉ đồng vay dài hạn đến hạn trả (trong đó từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam – chi nhánh Thái Bình gần 70 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bắc Hà Nội 60 tỉ đồng). 

Theo tìm hiểu, khoảng 266 tỉ đồng nợ vay của Fortex được kế thừa từ Công ty CP Tập đoàn Đại Cường (công ty của cổ đông lớn Lê Mạnh Thường), đây là các khoản vay có thời hạn 14 - 15 năm nhằm phát triển dự án nhà máy Đại Cường 5 (công suất 8.700 tấn/năm). 

CEO Fortex cho biết, công ty đang phải làm việc cùng các ngân hàng nhằm kéo giãn thời gian trả các khoản nợ đến hạn, trong hoàn cảnh tình hình hoạt động đang khó khăn. 

Mặt khác, công Sinh cho hay công ty cũng đang tìm cách đẩy mạnh thu hồi các khoản cho vay giá trị tới hơn 104 tỉ đồng với bên liên quan, chủ yếu với CTCP Tập đoàn Đại Cường và không có tài sản đảm bảo.

Kì vọng vào các xưởng dệt mới từ Trung Quốc 

Nhận định triển vọng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, CEO Fortex cho biết tình hình đang có dấu hiệu khởi sắc. Căng thẳng Mỹ - Trung đang hạ nhiệt, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá trở lại, cùng với đó Trung Quốc bắt đầu mùa dệt cuối năm… những điều này thúc đẩy nhu cầu sợi gia tăng, cùng với đó là giá bán tăng theo.

"Kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2019 của chúng tôi sẽ tốt hơn", ông Sinh nói.

Một yếu tố khác mà theo CEO Fortex là có thể hỗ trợ công ty đó là từ làn sóng đổ bộ của doanh nghiệp dệt may Trung Quốc. Ông Sinh cho biết các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho chuyến thăm gần 20 doanh nghiệp Trung Quốc ngày 21/9. 

"Phía Trung Quốc bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng các nhà máy dệt ngay cạnh nhà máy sản xuất sợi của chúng tôi, do đó họ thực hiện các chuyến khảo sát. Người Trung Quốc giờ đây họ cũng đã tính toán nhiều hơn đến rủi ro tỉ giá và yếu tố thuế quan, vì vậy họ cũng có kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Còn chúng tôi lại có đất đai, nhà xưởng rộng rãi".

"Nếu người Trung Quốc mở xưởng dệt, sản lượng tiêu thụ của chúng tôi sẽ gia tăng đáng kể", CEO Fortex cho hay. 

Ông Sinh cũng tiết lộ thêm thông tin về hai dự án bất động sản mà Fortex có góp vốn tham gia gồm New City tại đường Lê Quý Đôn kéo dài (TP Thái Bình) và số 55 Trần Nhật Duật (TP HCM).

Trong đó, dự án New City có diện tích 36 ha đang trong công đoạn cuối cùng giải phóng mặt bằng. Và dự án số 55 Trần Nhật Duật có diện tích 5.000 m2, đang trong giai đoạn chuyển nhượng mục đích sử dụng để làm dự án.

Dưới đây là một số hình ảnh thực tế mà chúng tôi ghi nhận tại các nhà máy sản xuất của Fortex 

DSCF1111

DSCF1112

DSCF1123

DSCF1127

DSCF1130

DSCF1133

DSCF1141

DSCF1143

DSCF1151

DSCF1152

DSCF1156

DSCF1158

Ảnh: BM

Bạch Mộc - Sơn Tùng